Xuất khẩu dệt may: Kết quả tốt, triển vọng lớn
Nhiều thành tựu khả quan
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017, ngành dệt may gặp phải nhiều khó khăn, thách thức với áp lực của Hiệp định thương mại TPP bị dừng lại cùng với tình hình xuất nhập khẩu dệt may cuối năm 2016 và đầu năm 2017 không thuận lợi.
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng với rất nhiều nỗ lực, ngành dệt may đã về đích với kim ngạch XK dự kiến đạt khoảng 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. So với kim ngạch nhập ước đạt khoảng gần 18,91 tỷ USD, thặng dư thương mại của ngành dệt may trong năm nay đạt khoảng 15,51 tỷ USD, tăng trên 7% so với năm 2016, dẫn đầu giá trị thặng dư thương mại trong các mặt hàng XK của cả nước.
Điều đáng chú ý trong là trong 31 tỷ USD kim ngạch XK dệt may có 3,51 tỷ USD kim ngạch XK của ngành sợi.
Tương tự, kim ngạch XK vải cũng có sự tăng tưởng đáng khích lệ với kim ngạch trên 1 tỷ USD so với 750 triệu USD trong năm 2016. Đặc biệt, các sản phẩm vải địa kỹ thuật dùng để làm đường, lốp ô tô, xe máy duy trì được tăng trưởng ổn định ở mức 450 đến 470 triệu USD.
Tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu dệt may năm 2017 ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016, cụ thể nhập khẩu vải đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,85%; nhập khẩu bông đạt 2,4 tỷ USD, tăng 44,35%; nhập khẩu xơ sợi đạt 1,76 tỷ USD, tăng 9,45%; nhập khẩu phụ liệu dệt may đạt 3,55 tỷ USD, tăng 10,35%.
Như vậy, giá trị thặng dư thương mại đạt 15,51 tỷ USD, tăng 7,15% so với năm 2016.
Xuất khẩu dệt may đạt được nhiều thành tựu trong năm 2017. (Ảnh minh họa)
Về thị trường XK, bên cạnh việc giữ vững tăng trưởng tại các thị trường XK chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp còn làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường XK với sự tăng trưởng đột phá tại các thị trường còn mới như Nga, Campuchia. Đặc biệt với việc XK sang thị trường Trung Quốc, ngành dệt may đã tạo ra bước đột phá vào một thị trường từ trước đến nay chỉ thuần túy NK. Dự kiến từ năm 2018, XK vào thị trường này sẽ tăng đáng kể.
Theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù có chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ rút khỏi TPP nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng không chịu ảnh hưởng nhiều vì tuy vẫn phải chịu thuế suất cao, nhưng Việt Nam có thị phần, có vị thế và có niềm tin của các nhà NK. Vì vậy, dù giá XK của Việt Nam có cao hơn các nước khác nhưng các nhà NK vẫn lựa chọn Việt Nam nhờ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng. Nhờ đó mà các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã vượt qua được áp lực canh tranh của các nước khác như Myanma, Campuchia để giành lại không ít đơn hàng đã mất.
Bên cạnh lợi thế cạnh tranh nên trên, các FTA đã và đang đàm phán đang tạo ra sức hút cho ngành dệt may. Điển hình như thị trường 11 nước thành viên CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có nhiều triển vọng khi dòng thuế về bằng 0% sẽ giúp ngành dệt may mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, Newzeland, Úc… Các cam kết trong CPTPP với Nhật Bản cũng mang lại lợi ích riêng ngoài FTA song phương đã kí kết. Ngoài ra, FTA với EU, Hiệp định RCEP (ASEAN+6)… cũng có tác động tích cực đến ngành công nghiệp dệt may đặc biệt là đến các nhà đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt cho ngành.
Một điểm đáng mừng nữa trong năm 2017, theo ông Vũ Đức Giang là ngành công nghiệp 4.0 đã giúp các doanh nghiệp chủ động về tầm nhìn về đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghệ sợi, dệt, nhuộm và may thông qua việc tạo áp lực về phương pháp quản trị, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, buộc các doanh nghiệp phải tìm ra đối sách để thích nghi.
Triển vọng lớn cho ngành dệt may
Với những kết quả khả quan của năm 2017, cùng những tiền đề vững chắc, trong năm 2018, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang đến nhiều thành tựu bứt phá.
Ông Vũ Đức Giang cho biết: “Trong năm 2018, ngành dệt may dự kiến sẽ tiếp tục có sự phát triển đột phá và nhiều đổi mới. Với nhiều giải pháp chiến lược, ngành dệt may dự kiến kim ngạch XK năm 2018 sẽ đạt từ 33,5 đến 34 tỷ USD”.
Cùng quan điểm với ông Vũ Đức Giang, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, năm 2018 dự báo sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng nếu thực hiện các chiến lược một cách bài bản và đúng hướng. Năm 2017 dù không có nhiều thuận lợi, nhưng tăng trưởng của ngành vẫn đạt mức khả quan. Hiện tại các doanh nghiệp đang chạy nước rút để hoàn tất các đơn hàng đã ký với đối cũng như các kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng nhất định cho quý I/2018. Do đó, dự báo năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở 2 con số.
Năm 2018 hứa hẹn nhiều triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, ngành dệt may đã xây dựng một số giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển của ngành trong năm 2018.
Cụ thể, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghệ 4.0 vào ngành dệt may Việt Nam. Đây là một giải pháp bắt buộc phải có của các doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự đột phá, khác biệt trong ngành so với những năm trước cũng như đi trước so với một số nước ASEAN.
Trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư FDI vào các lĩnh vực hiện đang thiếu hụt trong ngành, nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại. Dự kiến thặng dư thương mại của ngành dệt may trong năm 2018 sẽ là 18 tỷ USD, thay vì chỉ khoảng 15,5 tỷ USD như năm nay.
Hiệp hội hướng các doanh nghiệp tập trung vào mô hình quản lý LEAN (sản xuất tinh gọn), đặc biệt là đầu tư vào sản xuất xanh, sạch, an toàn và giảm thiếu tối đa áp lực thời gian làm việc trong ngành, tạo động lực làm việc cho người lao động.
Song song với các giải pháp trên, ngành dệt may cũng hướng tới việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển hàng thời trang, thiết kế nhằm xây dựng các thương hiệu thời trang Việt Nam cũng như đảm bảo việc tự túc trong sản xuất FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) và ODM (tự thiết kế, sản xuất). Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết hợp tác trong hội viên nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành dệt may trong thời gian tới.
Về phần thị trường xuất khẩu, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù không có TPP nhưng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may trong thời gian tới.
Mặc dù vậy lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới. Trong đó thách thức lớn nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia...vì trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần XK mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế...đều thấp.
Trong khi đó, tại Việt Nam các chi phí này đều cao hơn các nước bạn. Do vậy, dù kim ngạch, doanh thu của ngành dệt may có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Bên cạnh đó, thị trường XK của ngành dệt may cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 – 45 ngày xuống còn 15 ngày cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.
Minh Châu