Xử lý tham nhũng vặt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu
Phát biểu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã có những đánh giá tốt về công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ĐBQH Hải cũng bày tỏ băn khoăn khi tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh tạo được sự đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng của cử tri và nhân dân vào chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên, điều mà cử tri, nhân dân cả nước gặp phải hàng ngày là các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, gặp phải nhiều khó khăn với thái độ nhũng nhiễu phiền hà. Hiện nay, tham nhũng vặt rất tinh vi, rất khó phát hiện, qua phương tiện thông tin đại chúng một số vụ việc tham nhũng vặt bị phát hiện.
Đảng và Chính phủ thực hiện kiên quyết thực hiện phòng chống tham.
Cử tri đặt vấn đề tại sao người dân phát hiện được tham nhũng mà nội bộ cơ quan lại không phát hiện được. Vậy, công tác đấu tranh nội bộ của các cơ quan hiện nay được thực hiện như thế nào, liệu những vụ việc tương tự những vụ việc bị báo chí phản ánh có còn nhiều không?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải so sánh tham nhũng vặt giống như “những ổ mối ăn mòn các công trình lớn” nếu không có sự quan tâm và có thái độ quyết liệt xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình xã hội, đạo đức con người, đời sống người dân vì vậy đề nghị các cơ quan liên quan nên đẩy mạnh phát hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan.
Trao đổi với PV báo Thời Đại, nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cũng có nhiều nhận định và giải pháp để hạn chế vấn đề tham nhũng vặt hiện nay.
Theo ông Vinh, tham nhũng vặt hành dân, đi đâu không có phong bì là không xong. Tham nhũng vặt nó không lớn, nhưng về mặt lòng tin nó ảnh hưởng rất lớn. Về vật chất thì nó không lớn, nhưng về lòng tin thì mất đi quá lớn, điều này còn quá nguy hiểm, nguy hiểm hơn là thiệt hại về tiền bạc. Kỳ này bắt được một số “con cá to” rồi, thời gian tới tiếp tục phải bắt nốt những “con cá nhỏ” để làm trong sạch bộ máy.
Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh.
“Vấn đề tham nhũng vặt, ở trung ương đã làm quyết liệt, xử lý nhiều đối tượng nhiều vụ việc. Tham nhũng vặt còn chủ yếu ở các địa phương, ví dụ kể cả như đi đóng con dấu hoặc lấy giấy khai sinh hoặc có việc phải đến các cơ quan công quyền …không có “phong bì” thì không bôi trơn được và cái này là thực tế. Nếu Không giải quyết được tham nhũng vặt sẽ gây mất lòng tin cho nhân dân.Trông vật chất nó bé nhưng lòng tin của nó với nhân dân quá lớn, niềm tin còn to hơn tiền bạc rất nhiều. Công tác phòng chống tham nhũng ở trung ương đã “nóng” nhưng ở dưới địa phương cái “lò” chưa nóng được”, nguyên ĐBQH Vinh nói.
Đề cập đến câu chuyện nếu người đứng đầu nghiêm thì sẽ không có chuyện tham nhũng vặt ở địa phương mình, nguyên ĐBQH Vinh thẳng thắn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng ở tất cả các tỉnh thành phố, người đứng đầu là Bí thư và Chủ tịch chưa thấy ai bị xử lý về việc này.
Đối với việc xử lý cán bộ cấp dưới nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, ông Vinh cho rằng, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu thì sẽ hạn chế được nhũng nhiễu người dân. Tuy nhiên, cũng theo ông Vinh các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố chưa làm được thì làm sao xử lý được các cán bộ cấp xã phường.
“Tổng Bí thư nói trên nóng nhưng dưới lạnh, nếu nó lạnh, lạnh từ cấp xã thì làm thế nào? Ví dụ như đền bù đất đai, cấp tỉnh giải quyết các thủ tục xong mới đến cấp xã. Xử các vụ tham nhũng vặt ở cấp xã thì quá tuyệt vời, nhưng phải làm được phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu, những người đứng đầu cấp tỉnh cấp huyện đã có ông nào bị xử lý đâu. Ví dụ như TP.HCM, ông Phó bí thư bị xử lý, nhưng ông Bí thư thì sao?. Tại sao ông đứng đầu ông lại để cho ông phó ông lũng đoạn như thế thì vai trò trách nhiệm của ông đứng đầu ở đâu?”, ông Vinh ý kiến.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công an đã công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng trong ngành công an.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp phản ánh thông tin về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ chiến sĩ công an đến đường dây nóng của Bộ Công an theo số điện thoại: 069.2342593.
Bộ Công an cho biết thông tin phản ánh đến đường dây nóng có thể bị từ chối tiếp nhận khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không nêu rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc nội dung cung cấp không có cơ sở, căn cứ rõ ràng, không đủ điều kiện để tiếp nhận, giải quyết; quá trình trao đổi cung cấp thông tin có lời lẽ, thái độ lăng mạ, xúc phạm, không đúng mực; nội dung thông tin không liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ công an.
Xuân Hòa