Xót thương cảnh bà 70 tuổi nuôi con tâm thần, chồng nằm liệt giường
Theo sự chỉ dẫn của anh Võ Khắc Thức, Bí thư Đoàn xã Đức Long, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà Trần Thị Hường (sinh 1954), tại thôn Long Sơn, xã Đức Long, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Ở tuổi gần 70, lẽ ra bà phải được hưởng thụ cuộc sống vui vầy bên con cháu. Nhưng với bà, còn sống ngày nào là phải làm lụng để kiếm tiền mua thuốc men để nuôi chồng, nuôi con. Nhìn hoàn cảnh của bà mà ai thấy đều thương cảm.
Nghe thấy tiếng chúng tôi gọi từ ngoài sân, người đàn bà đi chân trần, áo quần lấm lem bùn đất, khuôn mặt khắc khổ, với nhiều nếp nhăn đang chuẩn bị nấu cháo cho chồng, ra mời chúng tôi vào nhà.
Ngồi trên chiếc ghế dài, bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về gia đình mình, “Ông chồng nằm một chỗ, tôi làm gì thì làm, nhưng cứ đến giờ cũng phải lo chạy về nấu cho ông miếng cháo, miếng cơm để ông ăn. Còn cái thằng kia (con trai bà) hắn cứ đi lung tung đập phá tối ngày, tôi phải chịu khó mà làm nuôi chồng con thôi chứ biết sao đây… ”.
Ở tuổi gần 70, bà Trần Thị Hường vẫn tần tảo kiếm tiền nuôi chồng con ốm yếu
Khi chúng tôi đang nói chuyện, ông Trần Văn Sự (sinh năm 1946) bị bệnh tai biến đang nằm một chỗ cũng hướng ánh mắt theo, dường như cũng hiểu được nỗi vất vả mà vợ mình đang gánh phải.
Bà kể, cả cuộc đời niềm vui lớn nhất với vợ chồng bà là đứa con trai Trần Trọng Phương (sinh 1982). Thế rồi, tai nạn ập đến với gia đình, bao nhiêu tiền của cả đời của vợ chồng dành dụm cũng vì thương con mà ra đi.
“Hồi trước làm nuôi hắn thì cũng mong muốn khi lúc mình già yếu thì cũng có đứa trông nom, chăm sóc. Ngày hắn đi làm gửi tiền về, tôi vui lắm, tôi còn khoe với bà con hàng xóm nữa.
Thế mà, niềm vui chưa được bao lâu, hắn bị tan nạn trong lúc lao động dẫn đến chấn thương sọ não. Bao nhiêu tiền của gia đình đều bán, cầm cố để chữa trị cho hắn, mà có hết đâu. Do bị dư chấn của tai nạn mạnh quá nên thần kinh của hắn bị ảnh hưởng. Cứ mỗi lần lên cơn là hắn lại la hét, đuổi đánh tôi, đập phá đồ đạc trong nhà”, vừa nói, bà Hường vừa lau vội những giọt nước mắt.
Chồng bà bị tai biến chỉ nằm một chỗ
Nỗi đau với đứa con trai chưa nguôi ngoai, nỗi đau khác lại ập tới, chồng bà lại lên cơn tai biến và phải nằm một chỗ suốt mấy năm nay. Mọi công việc sinh hoạt của chồng và con, một tay bà gánh vác hết.
“Hết nước mắt để khóc rồi các chú ơi, ngày thằng Phương bị tai nạn, tôi cứ tưởng vợ chồng cố gắng làm lụng nuôi con là ổn. Vậy mà ông cũng để tôi làm một mình. Khóc cho chồng, cho con cũng hết nước mắt rồi, giờ chỉ làm kiếm tiền nuôi chồng con qua ngày thôi. Chứ để chồng con đói tôi thấy tội lắm.”
Câu chuyện của bà với chúng tôi đôi lúc phải ngắt quảng bởi bà phải chạy đi đun nồi cháo cho chồng.
Khi được hỏi về việc chữa trị cho chồng con, bà trầm ngâm bảo: “Cả nhà được mấy sào ruộng, làm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền mà chữa trị hả chú.Tôi nay ai kêu chi làm nấy, ngày kiếm hai, ba chục ngàn để mua tí muối, tí mắm. Nhưng đâu phải ngày nào cũng có đâu. Mỗi tháng cũng hết mấy trăm ngàn bạc thuốc, nhưng biết kiếm đâu ra.”
“Tôi sức khỏe cũng yếu, nhiều hôm đi làm cả ngày về, ban đêm chân tay đau nhức nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng. Tôi chỉ lo sợ, mai đây tôi có chuyện gì không biết ai chăm thằng Phương với ông.”, bà nói trong nước mắt.
“Hoàn cảnh của gia đình bà Hường giờ rất khó khăn, cả tháng chỉ trông vào số tiền hơn vài trăm ngàn đồng được trợ cấp để mua thuốc men cho chồng con, chứ cũng không có nguồn thu nhập gì khác. Thấy gia đình khó khăn, đoàn thanh niên cũng vận động bà con hàng xóm, thanh niên giúp đỡ. Nhưng vì ở đây, ai cũng khó khăn nên cũng không giúp đỡ được nhiều. Chỉ mong sao, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm cùng chung tay giúp gia đình để vượt qua những lúc khó khăn, để giúp bà Hường bớt đi những lo lắng ở tuổi già”, anh Võ Khắc Thức, Bí thư Đoàn xã Đức Long cho biết.
Ngồi bên chiếc giường nhỏ để bón từng thìa cháo cho chồng, chúng tôi cảm thấy thấy chạnh lòng và thương người bà này. Đáng lẽ, ở cái tuổi của bà giờ đây phải được sống trong sự chăm sóc, yêu thương của con cháu… Thế nhưng, với bà điều đó giờ đây xa vời.
“Tôi chỉ mong sao, có ít tiền để cho thằng Phương với ông được đến bệnh viện chữa trị, rồi dành dụm để mua chút mắm, chút gạo để nấu cháo cho chồng con hằng ngày. Còn tôi thì đau mấy cũng chịu được…”.
Mọi đóng góp, hỗ trợ xin gửi về: Bà Trần Thị Hường, thôn Long Sơn, xã Đức Long, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Mạnh Văn