Xin chữ đầu năm: gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống
Hà Nội: Sĩ tử "vái vọng", xin chữ đầu Xuân ngoài Văn Miếu Phong tục xin và cho chữ đầu năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống những ngày đầu Xuân năm mới. Năm nay, do dịch COVID-19, Văn Miếu đóng cửa tạm dừng các hoạt động. Dù vậy, rất đông sỹ tử cùng phụ huynh vẫn đến "vái vọng", xin chữ đầu năm. |
Tặng sách, nét đẹp văn hóa ngày Tết Tặng sách ngày Tết đang dần trở thành nét đẹp văn hoá và sẽ ý nghĩa biết bao nếu thấp thoáng trong giỏ quà Tết tặng nhau ngoài bánh mứt, còn có những cuốn sách gửi tặng cho gia chủ và các cháu nhỏ… |
Trong không khí háo hức của những ngày đầu năm mới, ngoài những lời chúc tụng dành cho nhau thì nhiều người còn muốn gửi gắm những lời cầu chúc tốt đẹp vào thư pháp. Nhắc đến thư pháp, ban đầu chỉ là phương pháp viết chữ sao cho chuẩn xác, cho đẹp. Theo thời gian, thư pháp không ngừng phát triển và đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân Việt mỗi dịp tết đến xuân về.
Vài năm trở lại đây, có dịp về chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP. Thanh Hóa) chắc hẳn du khách đã quen với hình ảnh “ông đồ trẻ” Hoàng Trọng Tuyển bày chiếu, bút mực để cho chữ phục vụ du khách hành hương.
Chia sẻ với chúng tôi, ông đồ Tuyển cho biết: Năm nào cũng vậy, chiếu của tôi bắt đầu phục vụ khách từ 20 tháng 12 (âm lịch) đến hết rằm tháng Giêng năm mới, tùy từng năm tôi sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp để bày chiếu, có năm tôi bày ở trung tâm thương mại Vincom, hoặc siêu thị Nguyễn Kim... vài năm nay tôi bày chiếu tại chùa Vồm. Trung bình mỗi ngày có khoảng vài chục lượt người đến xin chữ. Cao điểm, vào ngày mùng 1 tết, lượng người đến xin chữ tăng lên gấp đôi.
"So với những năm đầu, bây giờ người biết đến thư pháp, người muốn xin chữ đầu năm ngày càng tăng hơn. Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi mà người ta thường xin những chữ khác nhau. Chẳng hạn, người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Đăng khoa... người làm nghề buôn bán thường xin chữ “Phú Quý”, “Phúc Lộc”; người cao tuổi xin chữ “Trường Sinh”; người cẩn thận xin chữ “Nhân”, “Nhẫn”... Song, là chữ nào thì đều có nội dung hướng đến bình an, mạnh khỏe, hướng đến tâm linh, hướng đến cái thiện của mỗi người trong một năm mới", ông đồ Tuyển cho biết thêm.
Để phục vụ đa dạng các đối tượng khách hàng, gian chiếu của ông đồ Tuyển lúc nào cũng trưng bày khoảng 30 - 40 bức thư pháp đủ kích cỡ, từ những điều hay lẽ phải được viết trên gỗ, giấy, đá, lụa... đến tranh phong cảnh có ghi những câu thơ bằng nghệ thuật thư pháp...
Ông đồ trẻ Hoàng Trọng Tuyển đang cho chữ thư pháp ngày đầu năm mới. |
Đang chờ tại gian chiếu của ông đồ Hoàng Trọng Tuyển để xin cho gia đình mình chữ “Phúc - Lộc - Thọ”, ông Hùng, xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), bộc bạch: Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày đầu năm mới, gia đình tôi lại cùng nhau đi lễ ở chùa Vồm cầu an và xin chữ để về treo trong nhà với mong muốn chúc cho gia đình, người thân luôn có cuộc sống bình an, đoàn kết, vui vẻ.
Không chỉ có những người lớn tuổi như ông Hùng, mà nhiều bạn trẻ hay các em học sinh cũng tìm đến gian hàng của ông đồ Tuyển xin chữ để cầu mong công danh, tài lộc, học hành tấn tới trong năm mới. Em Hoa, học sinh Trường THPT Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa) chia sẻ: Năm nay, em cùng các bạn đến xin chữ Tài, chữ An với mong muốn sang năm mới việc học hành của chúng sẽ có nhiều tiến bộ hơn, đạt nhiều thành tích cao hơn; và mong muốn đất nước nhanh hết dịch COVID-19 để mọi người dân đều mạnh khỏe, bình an.
Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu xin chữ của du khách, tại TP Thanh Hóa đã thành lập câu lạc bộ (CLB) thư pháp. Theo chia sẻ của nhà thư pháp Nguyễn Đăng Văn, Chủ nhiệm CLB, đến nay, CLB Thư pháp TP Thanh Hóa đã đi được chặng đường 12 năm, thu hút được 16 hội viên, không chỉ lớp người cao tuổi mà còn lan rộng trong giới trẻ. Đây thực sự là điểm hẹn cho các nhà nho cũng như những người yêu mến nghệ thuật thư pháp có thể hội tụ để giao lưu, học hỏi, nâng cao những giá trị thẩm mỹ.
So với những năm trước đây, nghệ thuật thư pháp ngày càng phổ biến, không chỉ vào những dịp lễ hội, tết cổ truyền dân tộc mà ngày thường cũng có nhiều người mua biếu tặng trong những dịp khai trương, tân gia, mừng thọ...
Để phục vụ đông đảo đối tượng khách đến xin chữ vào dịp đầu xuân mới, CLB thường phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức các buổi trình diễn thư pháp; phối hợp với nhiều huyện như Đông Sơn, Hà Trung... tổ chức viết thư pháp, trưng bày sách... Đáng mừng là gần đây, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu, du khách tìm đến thư pháp ngày càng nhiều. Điều đó, giúp những người đam mê thư pháp như chúng tôi rất yên tâm và có thêm động lực để cống hiến.
Một mùa xuân nữa lại về. Người người lại rủ nhau đi xin chữ đầu năm. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này vẫn luôn được các thế hệ gìn giữ và phát huy. Nét đẹp đó như một “sợi chỉ” vô hình gắn kết giá trị văn hóa tinh thần, hướng con người ta đến các giá trị của “Chân – Thiện – Mỹ.
Nét đẹp lễ chùa đầu năm mới của người Việt Lễ chùa cầu an trong đêm đầu tiên của năm mới là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam ngàn đời nay và vẫn luôn được giữ gìn trong cuộc sống hiện đại. |
Đại sứ Chile ấn tượng với nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam Đại sứ Chile tại Việt Nam Patricio Becker ấn tượng với các đường phố được trang hoàng rực rỡ, đặc biệt là hình ảnh những cành hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn, hạnh phúc. |
Những phong tục đẹp trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam Trải qua bao biến động của lịch sử, nhưng người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục, tập quán tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền. |