Xây dựng “ngân hàng” địa chỉ nhân đạo để kêu gọi hỗ trợ các đối tượng chính sách
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa ký kết chương trình phối hợp trong công tác nhân đạo giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình trợ giúp xã hội. Cụ thể, hai bên sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, "Ngân hàng bò", cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; phong trào đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, nạn nhân chất độc da cam…
Bộ LĐTB&XH và Hội Chữ thập đỏ ký kết chương trình phối hợp trong công tác nhân đạo giai đoạn 2017 - 2020
Trong tháng cao điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Bộ LĐTB&XH và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như thăm tặng quà, nhắn tin tri ân liệt sĩ, xây nhà cho các hộ chính sách.
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH và Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, từ năm 2013 đến năm 2016 đã vận động trợ giúp cho 424.486 địa chỉ với trị giá 792 tỷ đồng. Xây dựng và thực hiện mô hình Dự án “Ngân hàng bò” với nhiều nét sáng tạo mới, vận động được 21.000 con bò sinh sản để hỗ trợ cho trên 21.000 hộ hưởng lợi, trị giá trên 238 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, các cấp hội đã rà soát, lập danh sách các nạn nhân chất độc da cam cần trợ giúp. Thống kê từ 2013-2016 đã hỗ trợ cho trên 1,4 triệu lượt người với tổng trị giá trên 218 tỷ đồng; tổ chức điều dưỡng 257 nạn nhân chất độc da cam của 2 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An tại Trung tâm điều dưỡng nạn nhân chất độc da cam và sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ngoài ra, Hội chữ thập đỏ đã triển khai phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2013 đến năm 2017 đã vận động, trao tặng 9,77 triệu suất quà cho 9,77 triệu lượt hộ hưởng lợi với trị giá trên 3.464 tỷ đồng.
Về công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật, đến nay đã có hơn 1.500 người khuyết tật được đào tạo nghề và tạo việc làm. Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng mô hình thí điểm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tại tỉnh Hưng Yên và phổ biến nhân rộng ra các tỉnh khác như Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Lâm Đồng và Bình Thuận.
Người khuyết tật được dạy nghề và tìm việc làm. (Ảnh minh họa)
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH cùng phối hợp xây dựng “Ngân hàng địa chỉ nhân đạo” gửi cho các đối tác, nhà tài trợ. Qua đó làm cầu nối giúp các nhà hảo tâm đồng hành cùng thực hiện các chính sách của nhà nước, tăng thêm nguồn lực giúp các đối tượng chính sách thoát nghèo.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách, tạo điều kiện để hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ ngày càng hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời đề nghị Cục Bảo trợ xã hội cùng các đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tốt những hoạt động trong thời gian tới.
Minh Duy