WWF-Việt Nam góp phần gieo mầm cho những mùa xuân hạnh phúc
Những ngày qua, nhiều đơn vị, tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022. Đây không chỉ là hoạt động thường niên góp phần đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh mà còn là một nét đẹp văn hóa đầu xuân của người Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 6/2, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh trống phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần năm 2022. Nhân dịp này, các đại biểu tham dự chương trình cùng người dân Phú Thọ đã trồng khoảng 500 cây bản địa, cây cảnh quan. Các loài cây gồm: Chò chỉ, Sảng nhung, Vàng anh, Muồng hoàng yến, Hoa ban, Lát hoa, Long não, Sao đen. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động vào năm 2021.
Trưởng Đại diện WWF-Việt Nam, TS. Văn Ngọc Thịnh vinh dự cùng trồng cây với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 6/2/2022 tại Di tích Đền Hùng. |
Là một trong những đối tác chiến lược hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, ông Dương Duy Khánh, Điều phối viên Chương trình Phục hồi Rừng, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết, đối với WWF - Việt Nam, việc hưởng ứng đề án “trồng một tỷ cây xanh" không chỉ góp phần phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phủ xanh đất trống… mà còn là hoạt động gieo mầm cho những mùa xuân hạnh phúc.
Trao đổi với Tạp chí Thời Đại, ông Khánh chia sẻ thêm: tham gia chương trình 1 tỷ cây xanh của Việt Nam, WWF-Việt Nam có 3 mục tiêu cụ thể bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật (xác định địa điểm trồng, chọn loài cây trồng phù hợp, tìm kiếm nguồn giống để cung cấp cho việc trồng cây, nhất là các loài cây bản địa); tìm kiếm các nguồn kinh phí hỗ trợ trong và ngoài nước để đồng hành cùng với chính phủ thực hiện đề án này; phối với chặt chẽ với Bộ NN&PTNT cùng với các cấp chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò vô cùng quan trọng của rừng đối với con người và thiên nhiên.
WWF-Việt Nam đánh giá Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh sẽ đóng góp đáng kể vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng như làm xanh hóa khu vực đô thị của đất nước.
Trong chiến lược kết nối, mở rộng các khu hành lang đa dạng sinh học, các vùng đệm và các khu bảo tồn, dự tính đến năm 2025, WWF-Việt Nam sẽ trực tiếp hỗ trợ triển khai các hoạt động trồng, phục hồi và quản lý 280.000ha rừng tại các khu vực ưu tiên của WWF-Việt Nam. Trong đó có 250.000 ha rừng tập trung ở các khu vực rừng tự nhiên và 30.000 ha rừng trồng gỗ lớn hướng tới quản lý rừng bền vững. Chương trình trồng rừng của WWF-Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên tại các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). |
Tại miền Trung, chương trình trồng rừng được tập trung tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với tổng số cây rừng được dự kiến trồng tới năm 2025 là hơn 30 triệu cây, trong đó tập trung vào rừng trồng mới để kinh doanh gỗ lớn và trồng cây bản địa tại các khu vực rừng nghèo kiệt. Đối với rừng kinh doanh gỗ lớn là gỗ keo, WWF- Việt Nam tập trung vào việc hỗ trợ người dân quản lý rừng bền vững hướng tới Chứng chỉ rừng FSC. Hoạt động này không chỉ giúp cộng đồng trong việc giảm thiểu các rủi ro về thiên tai, giảm thiểu xói mòn và sạt lở đất, giữ nước mà còn tăng thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng sống gần rừng tự nhiên nhằm giảm áp lực vào rừng tự nhiên. Đối với các hoạt động trồng rừng và phục hồi rừng bằng trồng cây bản địa, nó không chỉ mang ý nghĩa tăng cường đa dạng sinh học mà việc phục hồi rừng còn kết nối cảnh quan, tạo điều kiện cho các loài động vật hoang dã di chuyển đến các khu vực an toàn, cũng như tăng cường nguồn thức ăn cho các loài động vật hoang dã trên nếu cây trồng là cây cung cấp thức ăn.
Tại ĐBSCL, WWF- Việt Nam sẽ tiến hành trồng mới trên 500.000 cây là rừng ngập mặn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Việc trồng và phục hồi rừng ngập mặn trên cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ sinh kế của người dân địa phương; giảm chi phí duy trì cơ sở hạ tầng do bảo vệ bờ biển, tăng cường điều tiết dòng nước, chất gây ô nhiễm nước và trầm tích.
WWF-Việt Nam cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành và các doanh nghiệp trên cả nước thành lập Liên minh trồng rừng ngập mặn Việt Nam để huy động việc trồng rừng ngập mặn toàn quốc với mục tiêu phục hồi và phát triển hệ thống rừng ngập mặn, cũng như rừng ven biển, một trong những hệ sinh thái quan trọng của Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đang đóng tại Việt Nam, WWF - Việt Nam đã tiến hành xây dựng một mạng lưới các doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với WWF- Việt Nam trong việc triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng WWF- Việt Nam như: IKEA, Ngân hàng HSBC, Tập đoàn AEON Mall, Microsoft, Intel, Tetra...
Ngoài ra, với thế mạnh là có một mạng lưới thành viên rộng lớn trên toàn cầu, WWF-Việt Nam đã tiến hành kết nối với các đơn vị tài trợ tiềm năng nhằm tìm kiếm các tài trợ có thể ngắn hạn hoặc dài hạn trong việc triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc. WWF- Việt Nam đang tiến hành việc gây quỹ để thành lập mạng lưới các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương tham gia vào Chương trình này. Từ đó sẽ có nhiều tổ chức như WWF-Việt Nam cùng tham gia vào nhiều hoạt động, từ trực tiếp thực hiện các dự án trồng rừng, đến cung cấp kỹ thuật, giám sát đánh giá, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức và gây quỹ, trong đó có cả gây quỹ cá nhân.
WWF-Việt Nam cũng hy vọng rằng quyết tâm và nỗ lực trồng mới những cánh rừng sẽ đồng hành với cam kết gìn giữ những cánh rừng tự nhiên và khai thác bền vững rừng trồng. Trồng mới nhưng phải giữ được cũ, đó chính là cách con người sống hài hòa với thiên nhiên.