Vụ Địa ốc Alibaba không chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ qua Bộ Công an
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba chưa phải là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi nhưng đã đứng ra “trong vai” chủ đầu tư rao bán dự án và cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ là sai quy định. Nội dung xử phạt đang được lực lượng chức năng soạn thảo và ra quyết định trong vài ngày tới.
Vị lãnh đạo Sở cũng thông tin, Sở Xây dựng đã nhiều lần mời đại diện Công ty Alibaba lên làm việc nhưng đại diện doanh nghiệp này không đến. Trong suốt ngày 28/11, Sở Xây dựng đã có cuộc làm việc liên ngành cùng xem xét nhiều khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Theo đó, Sở Xây dựng đã được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ chủ trì, thanh tra và sẽ có báo cáo trình lên UBND thành phố trong thời gian sớm nhất các kết quả thanh, kiểm tra những hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp này. Song song đó Sở cũng sẽ gửi các báo cáo liên quan đến Bộ Công an để tiếp tục xem xét theo đúng nhiệm vụ được giao.
Thông tin trên báo Thanh Niên ngày 27/11, ông Tuấn cho biết “thẩm quyền của sở chỉ là xử phạt hành chính cho nên sau khi xử lý xong sẽ cung cấp thông tin, chuyển hồ sơ cho Bộ Công an nhằm phục vụ công tác điều tra, xử lý theo thẩm quyền của ngành công an. Đồng thời sẽ có báo cáo gửi UBND TP về công ty này”.
Hàng nghìn người đã mua đất của Alibaba
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an, cũng đã làm việc với các sở, ngành tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Qua các biên bản làm việc giữa các bên, cho thấy C46 đã thu thập các thông tin về hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty CP Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3, có diện tích 97,58 ha, sổ đỏ thổ cư 100%”. Tính đến ngày 21/11/2017, Công ty CP địa ốc Alibaba nhận đăng ký đặt chỗ của 493 khách hàng với tổng số tiền hơn 16,6 tỉ đồng trong dự án này.
Theo C46, lãnh đạo Phòng 2 và điều tra viên đã làm việc với bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Giám đốc pháp lý của Công ty CP Địa ốc Alibaba, vào ngày 22/11. Bà Trinh được ông Nguyễn Thái Lĩnh (người đại diện theo pháp luật của công ty) ủy quyền làm việc với C46.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã đề nghị Công ty CP địa ốc Alibaba cho biết cụ thể về việc ký kết, thực hiện các hợp đồng hợp tác tiếp thị, môi giới, phân phối đất nền thuộc các dự án khu dân cư Alibaba Bình Châu, Alibaba Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), các dự án khu dân cư Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 (Long Thành, Đồng Nai) và cung cấp các tài liệu liên quan.
Thế nhưng, ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP địa ốc Alibaba cho biết, Công ty CP Alibaba cần cập nhật tình hình, chuẩn bị hồ sơ để trả lời bằng văn bản và cung cấp hồ sơ kèm theo.
Công ty CP địa ốc Alibaba thừa nhận đến hết ngày 27/11 đã có tổng cộng 1.375 khách hàng tham gia giao dịch tại các dự án trên. Các dự án đều được giao dịch theo hình thức cá nhân ông Nguyễn Thái Lĩnh (đứng tên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thực hiện hiến đất làm đường. Sau đó ông Lĩnh ủy quyền cho Công ty CP Alibaba Law Firm thực hiện quản lý, phân lô, tách thửa, chuyển nhượng cho khách hàng. Công ty CP địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị tiếp thị, môi giới, phân phối các sản phẩm đất nền thuộc các dự án trên để hưởng hoa hồng theo các hợp đồng hợp tác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Công ty CP địa ốc Alibaba tiếp tục cung cấp thông tin, hồ sơ về thực trạng thực hiện các dự án đến giai đoạn nào (ký phiếu đặt chỗ, phiếu đặt cọc, hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất...); danh sách khách hàng và số tiền đã nhận của khách hàng; số tiền hoa hồng Công ty CP địa ốc Alibaba đã nhận. Tuy nhiên, Công ty CP địa ốc Alibaba không cung cấp được ngay.
Khách hàng bắt đầu lên tiếng
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Kh., một trong số gần 500 khách hàng đã đặt cọc mua nền đất tại dự án mà Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM đang giới thiệu, cho biết vào khoảng đầu tháng 11/2017, anh nhận được lời chào mời mua đất nền từ nhân viên kinh doanh của đơn vị này. Mức giá chào bán là 5,5 triệu đồng/m2, đặt 50 triệu giữ chỗ, khi mở bán số tiền trên sẽ chuyển thành tiền đặt cọc mua nền đất, nếu không mua sẽ trả lại tiền.
“Họ nói giá đất nền ở đây rẻ lắm rồi vì dự án rộng đến gần 100 ha, với rất nhiều tiện ích như trường học quốc tế, bệnh viện, sân golf... nên tôi đã đặt cọc mua. Nhưng giờ tôi mới biết dự án này thực chất chưa phải là của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM. Hiện tôi đang liên hệ để đòi lại tiền”, anh Kh. nói.
Mới đây nhất, trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng, ông Kiều Thanh Thuỵ, ngụ quận 12 (TP.HCM), cho biết tháng 12/2016, ông được nhân viên sale của Công ty CP Địa ốc Alibaba giới thiệu về dự án Long Phước 1 (Long Thành- Đồng Nai) với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Sau đó ông đã đặt cọc giữ chỗ mua 2 lô đất số 58 và 59 của dự án với số tiền 30 triệu đồng.
Ngày 19/2/2017 dự án được mở bán, anh Thụy đã đóng 95% giá trị để được hưởng ưu đãi là 2 lượng vàng cho 2 lô đất. Ngày 21/2, ông lên trụ sở Công ty Alibaba ở 321 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) để thực hiện hợp đồng thanh toán và hợp đồng ghi rõ: Sau 3 tháng khách hàng sẽ được nhận bàn giao nếu có trễ tối đa là 1 tháng để khách hàng có thể xây dựng nếu muốn. Sau thời gian này, nếu vẫn chưa bàn giao thì công ty sẽ chịu phạt lãi suất như điều kiện trong hợp đồng đã ghi. Đồng thời hợp đồng cũng nêu sau 6 tháng khách hàng sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng nền, nếu có trễ tối đa là 2 tháng (tổng cộng 8 tháng). Sau thời gian này nếu không bàn giao công ty sẽ chịu phạt.
Đấn tháng 7, trực tiếp có mặt tại dự án xem thì ông Thụy thấy dự án chỉ là bãi đất trống, giống như lúc ông mới bắt đầu mua, hoàn toàn không có bất cứ hạ tầng nào thêm. Sau đó, ông Thụy lên công ty để yêu cầu Alibaba giao nền đúng như hợp đồng thì được một giám đốc sàn tên Trung, cho biết 1 tháng sau công ty sẽ hoàn tất cở sở hạ tầng và bàn giao cho khách hàng, đồng thời công ty sẽ chịu phạt chậm bàn giao.
Đến tháng 9, ông Thụy hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào từ công ty về vấn đề này. Đến công ty thì anh Thụy được nhân viên sale cho biết, ông Trung chuyển phòng ban khác. Và được giới thiệu qua một người tên Sơn, nhưng chưa nắm rõ tình hình nên sẽ xin ý kiến ban giám đốc sau. Yêu cầu công ty lập biên bản vụ việc.
Tuy vậy, một tuần sau đó thì ông Thụy được một nhân viên sale thông báo là công ty không chịu phạt lãi suất vì công ty không làm sai. Công ty giải thích là hợp đồng có nêu rõ là khách hàng phải làm đơn yêu cầu bàn giao thì công ty mới bàn giao.
“Tại thời điểm này, công ty có nói là tôi tới dự án Long Phước 1 để nhận bàn giao nền, nhưng khi tới thì cơ sở hạ tầng chưa hoàn tất, nên tôi không đồng ý nhận bàn giao và có lập biên bản làm việc”, ông Thụy cho biết.
Bằng chứng giao dịch do khách hàng cung cấp.
Điều đáng nói là tới thời điểm đó thì cũng gần với thời điểm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng như trong hợp đồng đã ghi. Rút kinh nghiệm, lần này ông Thụy đã làm đơn yêu cầu bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu công ty có văn bản trả lời. Nhưng sau đó một tuần thì nhân viên sale nói ban giám đốc nói 1 tháng nữa sẽ ra sổ cho khách hàng, nói khách hàng yên tâm.
Điều đáng nói, theo ông Thụy là khi ông yêu cầu công ty làm văn bản về vụ việc này thì công ty né tránh. Khi hỏi tới thì các bộ phận trong công ty đẩy đùn qua lại. Xin gặp ông Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch HĐQT – kiêm Tổng giám đốc thì nhận câu trả lời là "tôi rất bận".
Phân tích hợp đồng “thỏa thuận hợp tác đầu tư” giữa Công ty CP địa ốc Alibaba ký với khách hàng, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, nói rằng những công ty công bố thông tin không đúng sự thật và huy động vốn trái quy định pháp luật như Công ty CP địa ốc Alibaba nếu giao dịch bị tuyên vô hiệu thì mọi cam kết cũng đều vô hiệu.
“Theo luật Kinh doanh bất động sản nếu không phải là đất của công ty thì Công ty CP địa ốc Alibaba không được ký với khách hàng kể cả trong trường hợp các cá nhân ủy quyền cho công ty này bán. Như vậy, ở góc độ pháp lý giao dịch này bị tuyên vô hiệu. Theo đó mọi cam kết cũng đều vô hiệu. Do đó, với những giao dịch không đúng quy định pháp luật thì đừng nghĩ đến phần cam kết này, dù cam kết cao hay thấp đều vô nghĩa. Thậm chí vốn gốc còn có khả năng mất nếu công ty này cố ý lừa đảo”, luật sư Phượng phân tích.
Nhóm PV