VN-Index đã có chuỗi tăng 4 phiên bứt phá khỏi mốc 1.250 điểm
Định vị thị trường
Khi những phản ứng tích cực với thông tin CPI tháng 4 của Mỹ qua đi, chứng khoán châu Á bắt đầu có sự phân hóa nhẹ. Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc như SHCMP (+1,01%), HSI (+1,08%), SZI (+1,1%) vẫn tăng điểm khá tốt trong khi TWSE (-0,21%), KOSPI (-1,03%), NIKKEI 225 (-0,34%) có dấu hiệu chững lại.
Dù vận động của thị trường Việt Nam đồng pha với các chỉ số Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng phiên hôm nay VN-Index lại chỉ rung lắc nhẹ. Cuối phiên, chỉ số đóng cửa trong sắc xanh và nối chuỗi tăng điểm sang con số 4.
Chất xúc tác
Đã có những phản ứng tích cực từ lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn. Tại kỳ hạn qua đêm, lãi suất đã giảm xuống dưới 4% trong khi kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng đã giảm xuống 4,27% và 4,77%.
Tuy nhiên, tỷ giá trong nước vẫn có độ trễ trong phản ứng với việc trên thị trường tự do tiếp tục đi ngang quanh mức 25.800 VND/USD.
Trong ngày hôm qua, kênh cầm cố có 48,23 tỷ đồng trúng thầu, có 878,29 tỷ đồng đáo hạn. Trong khi đó, kênh tín phiếu, có 650 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,75%, không có tín phiếu đáo hạn. Tổng cộng, Ngân hàng nhà nước hút ròng 1.480,06 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 62.640 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giảm xuống mức 7.395,53 tỷ.
Về mặt thanh khoản thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã có thể yên tâm hơn với phiên thứ 3 liên tiếp HOSE đạt trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh sàn tăng tiếp 2,7% lên 880 triệu đơn vị.
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có chiều hướng tiếp tục giảm sự ảnh hưởng với đóng góp 2 chiều trên HOSE chỉ là 7,15%. Hoạt động bán ròng cũng trở lại sau 2 phiên mua vào, giá trị rút ra đạt 803 tỷ đồng. VHM (-140 tỷ đồng), VNM (-72,5 tỷ đồng), FPT (-65 tỷ đồng), DGC (-47,8 tỷ đồng) là những cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Ngân hàng đã đồng loạt tham gia dẫn dắt tâm lý tích cực trong phiên hôm qua. Sang đến hôm nay, khá nhiều mã như VCB (-0,9%), MBB (-0,6%), BID (-0,5%), TCB (-0,3%), ACB (0%), VPB (0%) đã có sự nghỉ ngơi và chỉ còn lại LPB (+5,5%) vẫn tiếp tục phá kỷ lục giá.
Việc Ngân hàng chưa nối tiếp đà tăng đã khiến cho VN30 lẫn VN-Index phải chấp nhận rung lắc trong phiên. Để có thể vượt qua các nhịp giật xuống trong phiên, các mã lớn như MSN (+4,3%), GVR (+2,5%), VRE (+2%), VHM (+1,5%), BCM (+1,2%) đã phải làm thay phần việc của Ngân hàng.
VN-Index tăng 4,33 điểm lên 1.273,11 điểm (+0,34%). Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 937,04 triệu đơn vị, tương đương 23.073 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chuyển động của Ngân hàng cũng là cơ hội để dòng tiền có thể tranh thủ vận động tích cực ở các cổ phiếu Midcap và Penny. Các câu chuyện về nhóm ngành hay của riêng từng doanh nghiệp đã thúc đẩy đà tăng đột biến tại HAG (+6,96%), VND (+4,04%), HDG (+6,93%), BAF (+6,76%), DBC (+6,05%), CTD (+3,68%), HDC (+4,43%).
Nhóm Chứng khoán đã xuất hiện những thông tin rất đáng chú ý liên quan đến các đợt tăng vốn của các doanh nghiệp như VND, MBS. Cụ thể, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép cho VND chào bán 304,46 triệu cổ phiếu.
Còn, MBS cũng vừa được HĐQT thông qua chào bán thêm 109,42 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 4:1, với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Phản ứng giá của MBS cũng ghi nhận ngay trên HNX với đà tăng 6% cùng với quy mô giao dịch đứng thứ 2 tại sàn. Ngoài ra, giá đóng cửa của MBS cũng chính thức xác nhận cổ phiếu đã vượt đỉnh thời đại.
Các cổ phiếu Chứng khoán khác trên HNX như SHS (+1,03%), APS (+9,5%) cũng đều tăng giá khá tốt. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 0,64% lên 241,54 điểm. Thanh khoản sàn đạt 2.109 tỷ đồng, tương đương 107,57 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, VGI (+10,8%), MCH (+10,6%), VTK (+14,8%) là những gương mặt nổi bật nhất. Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,4% lên 93,07 điểm. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 1.196 tỷ đồng.