Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới
Phát biểu tại sự kiện, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân địa phương cùng cam kết ở mức cao nhất để thúc đẩy sự phát triển cân bằng, bền vững khu di sản, thay vì chỉ lựa chọn các dự án có giá trị kinh tế cao, ngắn hạn nhưng có nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực tới khu di sản.
Đại diện UNESCO trao chứng nhận di sản thiên nhiên thế giới cho vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. (Ảnh: Dân trí) |
Theo ông Jonathan Wallace Baker, hai tỉnh, thành phố cùng các tổ chức, đơn vị liên quan và người dân địa phương còn nhiều việc phía trước phải làm để đạt mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế bền vững, trong đó có việc giữ gìn Khu Di sản Thiên nhiên Thế giới vô giá này theo đúng yêu cầu của Công ước về Di sản Thế giới.
Việc thực hiện các cam kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ là một trong 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới từ năm 2024.
Thay mặt hai địa phương, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch thành phố Hải Phòng cảm ơn UNESCO, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tổ chức khác đã quan tâm giúp đỡ hai địa phương. Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có 775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cát Bà, được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất. Đây cũng là nơi có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển bao gồm: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Sau nhiều nỗ lực của Việt Nam, ngày 16/9/2023, tại Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban Di sản thế giới - UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.