Vĩnh biệt Geetesh Sharma - một người bạn hết lòng vì ngoại giao nhân dân Ấn - Việt
Sinh năm 1932, ông Sharma là một nhà báo lão thành, và từng là chủ bút của rất nhiều tờ báo khác nhau tại Ấn Độ, viết nhiều tập sách chuyên khảo khác nhau. và tác giả nổi tiếng đã viết 23 cuốn sách bằng tiếng Hindi và tiếng Anh, trong đó có nhiều cuốn về Việt Nam. Sách của ông được dịch sang các thứ tiếng Bengali, Thụy Điển và cả tiếng Việt.
Là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal, ông đã gắn một phần cuộc sống của mình với những phong trào đấu tranh đòi hoà bình, dân chủ cho nhân dân Việt Nam trong thời chiến, luôn quay quắt với khát vọng nối liền hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Ông đã đến Việt Nam tổng cộng 29 lần trong nhiều dịp khác nhau, đi thăm nhiều địa phương từ Bắc chí Nam.
Ông Geetesh Sharma (thứ 3, từ trái sang) dẫn đầu Đoàn Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam bang Tây Ben-gan thăm và làm việc tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2017. |
Tháng 12/2005, ông Sharma từng được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Trao tặng huy chương "Vì hoà bình Hữu nghị giữa các dân tộc" nhân dịp ra mắt công trình nghiên cứu "Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: thế kỷ I đến thế kỷ XXI" tại TP.HCM.
Năm 2015, ông Sharma từng được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị - huân chương cao quý của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam vào năm 2015, để ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn của ông trong nhiều năm vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Geetesh Sharma kể về những kỷ niệm và tư liệu ông sưu tầm về Bác Hồ. |
Theo ông Geetesh Sharma, tập sách nghiên cứu về mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ là công trình ông gởi trọn tâm huyết. Đã nhiều lần ông tự bỏ tiền túi đến Việt Nam thu thập tư liệu để viết ra116 trang sách không phải là những bài giáo khoa lịch sử mà là tập hợp những tư liệu sống khiến thanh niên hai nước hôm nay có thể đọc, hiểu và chia sẻ mối quan hệ lâu đời và khắng khít Việt - Ấn.
Sách chứa một số trường đoạn thú vị như việc Bác Hồ đi bộ đến văn phòng của Đảng cộng sản Ấn Độ ở Kolkata mà không báo trước, cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ tịch và nữ thi sĩ Amrita Pritam...
Sách còn có một số chương riêng về sự ủng hộ của sinh viên và thanh niên Kolkata cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, vì sao người dân Ấn Độ đổ máu phản đối cuộc chiến Việt Nam, vì sao thanh niên Ấn Độ không cho phép máy bay chở những nhân vật quan trọng đến Ấn Độ hạ cánh... Và buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của đại học Calcutta cho đại tướng Võ Nguyên Giáp đã diễn ra thế nào... Tất cả được tập hợp một cách đầy đủ, thể hiện sinh động, giàu hình ảnh và màu sắc như chính những sử thi huyền thoại của Ấn Độ và kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.