Vinamilk giữ vị trí số 1 doanh nghiệp có lãi nhất Việt Nam
Theo đó, tiếp tục giữ vị trí thứ 1 là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Tập đoàn Hòa Phát và CTCP Tập đoàn Vingroup.
Một số thay đổi về vị trí trong bảng danh sách này so với năm 2017 là VinGroup tăng một bậc, từ vị trí thứ 4 lên thứ 3. VietJetAir đứng ở vị trí thứ 10 trong năm 2017 nhưng năm nay đứng ở số 6. Masan từ thứ 6 xuống thứ 10.
Trong bảng xếp hạng Profit500 năm nay, số lượng doanh nghiệp ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (14,8%), ngành Điện (12,8%), ngành Tài chính (11,2%), ngành Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (10,4%) chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại.
Lợi nhuận trước thuế bình quân năm 2017 của Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất tăng trên 65% so với năm 2016.
Top các ngành có tỷ suất lợi nhuận bình quân ROA và ROE lớn nhất theo bảng xếp hạng Profit500 năm 2018 là Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin; Dược phẩm, Y tế; Vận tải và Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, đây là các ngành hoạt động hiệu quả cao trong thời gian qua. ROE trung bình ngành Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin đang ở mức cao nhất, đạt gần 0,3 cho thấy các doanh nghiệp trong ngành hoạt động tốt khi thu về gần 3 đồng lời trên mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, kế tiếp là ngành Vận tải (0,24) và ngành Dược phẩm (0,21).
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng Profit500, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu khảo sát các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhằm tìm hiểu thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, những biến động ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian qua cùng những dự báo cho giai đoạn tới.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp, Vietnam Report cho biết, một điểm đáng ghi nhận là phần lớn các doanh nghiệp đánh giá tích cực về hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, điều chỉnh tỷ giá và tiếp cận thông tin, văn bản luật pháp.
Có 97,1% doanh nghiệp nhận định từ tốt đến rất tốt về việc duy trì ổn định kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam 9 tháng năm 2018. Ba vấn đề chưa nhận được sự hài lòng của nhiều doanh nghiệp là hiệu quả của dịch vụ hành chính, cơ sở hạ tầng và tiếp cận đất đai.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan với kết quả hoạt động trong năm 2018, 90% doanh nghiệp nhận định doanh thu sẽ tăng lên so với năm ngoái, 80% phản hồi lợi nhuận dã tăng lên và 8,6% cho biết lợi nhuận ổn định, không thay đổi.
Bên cạnh những thuận lợi tích cực và xu hướng phát triển tốt trong 3 quý đầu năm 2018, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tiềm ẩn.
Trong phỏng vấn độc quyền với Vietnam Report, GS. Jason Furman, Đại học Harvard, nguyên là thành viên nội các Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của cựu Tổng thống Obama, Giáo sư đã cảnh báo cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc được khởi đầu trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phát triển rất khởi sắc, FED phải tăng lãi suất để kinh tế Mỹ phát triển không quá nóng. Do vậy, rất có thể các tranh chấp thương mại Mỹ – Trung quốc có những nguyên nhân sâu xa ngoài thương mại và có thể kéo dài ngoài dự đoán. Tuy nhiên khả năng Mỹ mở rộng tranh chấp thương mại với các đối tác thương mại khác, trong đó có Việt Nam, là không quá lớn trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh như trên, các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều trước sức ép cạnh tranh về biến động tỷ giá và gánh nặng về thuế, bao gồm cả thuế nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn. 51,4% doanh nghiệp đã đánh giá “biến động tỷ giá hối đoái” là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay, kế đến là thuế với 42,9% lựa chọn của doanh nghiệp.
PV