Việt Nam tham gia giám sát, bảo tồn và phát huy giá trị của gần 1.200 di sản thế giới
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp cho biết, đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của Tổ chức UNESCO. Việc trúng cử với số phiếu cao thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời ghi nhận những đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cố đô Huế của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ngày 11/12/1993. (Ảnh: KT) |
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO: Lần đầu tiên tham gia cùng lúc 5 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO, Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO.
Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên khác đảm nhận trọng trách giám sát các quốc gia thành viên thực thi Công ước Di sản Thế giới UNESCO 1972, từ đó bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của 1.199 di sản thế giới trên toàn cầu.
Việt Nam sẽ tham gia xem xét các hồ sơ đề cử di sản của các quốc gia thành viên theo các tiêu chí của Công ước Di sản thế giới, lấy đó làm căn cứ để đưa ra quyết định công nhận hoặc không công nhận di sản đó là Di sản thế giới.
Quần thể Đền Hoysala, Ấn Độ là một trong những Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mới nhất được UNESCO công nhận năm 2023. (Ảnh: MA SRIRAM) |
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tham gia tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ di sản thế giới nhằm gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững của thế giới. Một số hoạt động như: trao đổi thông tin, kinh nghiệm, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, thực hiện các dự án bảo vệ di sản...
Đại diện các nước thành viên chúc mừng Việt Nam trúng cử. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay khẳng định: Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế, văn hóa và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững. Bà hy vọng những kinh nghiệm của Việt Nam sẽ là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế thực thi hiệu quả Công ước, góp phần làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại.
Từ khi tham gia Công ước vào năm 1987 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung, tinh thần Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực di sản thế giới như: Kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới (2022), Hội nghị quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam (2023)…
Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới. |
Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch đại diện cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. |
Việt Nam-UNESCO đồng hành đưa văn hóa trở thành mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc Chiều ngày 16/11/2023 theo giờ Paris, tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO. |