Dấu mốc lịch sử trong quan hệ UNESCO và Việt Nam
Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu khẳng định: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của Việt Nam đối với UNESCO. (Ảnh: MINH DUY) |
Từ ngày 3-7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. Trong dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tới thăm trụ sở và làm việc với lãnh đạo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Trước thềm chuyến thăm, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu nhấn mạnh: Chúng tôi rất vui mừng được tiếp đón nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Đây sẽ là dịp để kỷ niệm mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác này trong những năm tới.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO hiệu quả và không ngừng được vun đắp
Theo Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO ngày càng toàn diện, thực chất và hiệu quả. Kể từ khi gia nhập Tổ chức UNESCO vào năm 1976, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO có những bước phát triển rất ấn tượng. Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia thành viên năng động ngay từ những ngày đầu tiên, luôn đồng hành cùng với UNESCO trong nhiều sáng kiến và phê chuẩn một số công ước, khuyến nghị của UNESCO.
Việc mở Văn phòng UNESCO tại Việt Nam vào năm 1999 đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa UNESCO và Việt Nam. Năm 2024 là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và cũng khẳng định sự hợp tác tốt đẹp giữa UNESCO và Việt Nam ở cấp quốc gia.
Việt Nam là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ mang tính xây dựng và hiệu quả với UNESCO với sự thay đổi ngoạn mục, từ một quốc gia được hưởng nhiều viện trợ quốc tế cách đây 20 năm, đã trở thành một quốc gia thành viên tích cực với những đóng góp quan trọng vào công việc chung của UNESCO.
Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu
Phó Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh: Chúng tôi đánh giá cao tầm nhìn chiến lược và chính sách của Việt Nam, đặt văn hóa là trọng tâm của phát triển bền vững, và coi văn hóa như một động lực cho phát triển bền vững. Chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực cụ thể của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng văn hóa của các nhóm dân tộc, và phát huy vai trò của các nhóm dân tộc ấy trong quá trình xây dựng chính sách và hành động quản lý di sản.
Điều này giúp khuyến khích sự quan tâm và đầu tư của công chúng vào văn hóa tương tự như trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường. Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ và đóng góp tích cực của Việt Nam cho UNESCO khi đề cao vai trò của văn hóa trong SDG và Chương trình nghị sự 2030.
Phó Tổng giám đốc UNESCO cho biết, UNESCO sẵn sàng ủng hộ Việt Nam ra ứng cử vào các cơ chế của UNESCO, hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và nhân sự trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với các thách thức về an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu, cũng như thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới phục vụ phát triển bền vững quốc gia thông qua Chương trình Thủy văn liên chính phủ.
Vai trò và đóng góp nổi bật của Việt Nam
Việt Nam đã được tín nhiệm bầu và hiện đảm nhiệm vị trí trong 5 cơ quan then chốt của UNESCO: Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Ủy ban Liên Chính phủ Công ước về Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026; Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025 và là một trong 31 Phó chủ tịch của Đại hội đồng UNESCO (Việt Nam đảm nhận vị trí từ năm 2023).
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy của UNESCO trong việc đưa ra các đề xuất và triển khai các sáng kiến nhằm phát huy vai trò và vị thế của UNESCO trong bối cảnh toàn cầu mới.
Phó Tổng giám đốc UNESCO đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam, quốc gia tiên phong trong chính sách đặt văn hóa là trung tâm của sự phát triển, hỗ trợ các dự án thí điểm của UNESCO về các chỉ số văn hóa đến năm 2030 để đo lường sự đóng góp của văn hóa trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Mới đây, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự đóng góp tích cực với công việc của UNESCO, đề xuất một mục tiêu phát triển riêng cho văn hóa trong Chương trình nghị sự toàn cầu sau 2030.
Việt Nam không chỉ mở rộng mạng lưới hợp tác, đối tác cùng với bạn bè quốc tế trong việc đúc kết những bài học và kinh nghiệm thành công từ những quốc gia thành viên, mà chia sẻ những kinh nghiệm quý báu. Đó là các mô hình quản lý các khu vực di sản thế giới, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển, mạng lưới các thành phố sáng tạo, mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu hay những kinh nghiệm làm việc trong công tác bảo tồn và thúc đẩy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Trong lĩnh vực giáo dục, sự cam kết mạnh mẽ trong chính sách của Việt Nam nhằm hướng tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4 về một nền giáo dục chất lượng, bao trùm và bình đẳng cho tất cả, đã thể hiện rất rõ trong nhiều nghị quyết ở cấp độ cao nhất và trong các chính sách ở mọi khía cạnh của giáo dục. Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong mọi lĩnh vực của giáo dục, từ phổ cập giáo dục cơ bản đến xây dựng một xã hội học tập, khuyến khích học tập suốt đời, cam kết chuyển đổi hệ thống giáo dục cũng như cam kết của Việt Nam đối với phong trào giáo dục toàn cầu.
Hơn nữa, UNESCO đánh giá cao đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam luôn chủ động chia sẻ và trao đổi những bài học về phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO (thông qua Hội nghị phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO vì sự phát triển bền vững của Việt Nam tại Ninh Bình vào tháng 7 năm 2023).
Việt Nam đã luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy một nền giáo dục chất lượng, bình đẳng và bao trùm cho tất cả mọi người (thông qua Tuyên bố cam kết quốc gia về việc chuyển đổi giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Chuyển đổi giáo dục được tổ chức tại New York năm 2022).
Gần đây, tại Diễn đàn khu vực Công viên địa chất lần thứ 8 được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 8 đến ngày 15/9/2024, Việt Nam đã có những đề xuất rất cụ thể nhằm phát triển mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Phó Tổng giám đốc UNESCO khẳng định: Trên đây là những đóng góp cụ thể vào sự hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và Việt Nam trong nhiều năm qua. Chúng tôi coi Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên.
Triển vọng hợp tác
Theo Phó Tổng giám đốc UNESCO, chuyến thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa rất quan trọng để trao đổi về những lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong thời gian tới, nhằm đưa mối quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn.
Đối mặt với những thách thức của thời đại công nghiệp 4.0, nhất là những thách thức ngày càng rõ rệt có liên quan đến công tác chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên và bất bình đẳng, vẫn còn tồn tại rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở quy mô toàn cầu và tại Việt Nam.
Trên tinh thần đó, UNESCO tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng với Việt Nam nhằm triển khai các ưu tiên quốc gia và hỗ trợ chính phủ.
Về văn hóa, Việt Nam nổi tiếng trong khu vực về đa dạng văn hóa và những quần thế các yếu tố văn hóa tuyệt vời được UNESCO công nhận. UNESCO đánh giá cao các cam kết chính trị và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam, đồng thời chia sẻ những thách thức phát sinh do kinh tế phát triển nhanh. Đó là những áp lực bảo tồn một cách đúng đắn các tài sản văn hóa quý báu của đất nước.
UNESCO sẽ hỗ trợ việc cải thiện các chính sách khung và các quy định liên quan tới công tác quản lý văn hóa ở cấp độ quốc gia, nhằm đảm bảo tính phù hợp với các khuôn khổ quốc tế, đặc biệt là các Công ước văn hóa của UNESCO và Mục tiêu văn hóa toàn cầu mới (Declaration Mondialcult 2022).
Về giáo dục, UNESCO chú trọng đảm bảo một nền giáo dục chất lượng, bình đẳng và bao trùm, và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người nhằm giảm thiểu những bất công và khuyến khích các nhóm xã hội học tập và sáng tạo, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Điều này cũng phù hợp với tầm nhìn quốc gia của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội học tập và thúc đẩy việc học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Về chuyển đổi số, Việt Nam đã có những bước đi đột phá trong việc triển khai công nghệ thông tin trong dạy và học, phát triển các nền tảng học trực tuyến và các nguồn tài nguyên học tập số, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người. Điều này cũng cần được thúc đẩy song song với việc tăng cường các kỹ năng chuyển đổi số, tư duy phản biện, sự sáng tạo, các kỹ năng số và trí tuệ nhân tạo khác, hỗ trợ các thế hệ trẻ trang bị tốt nhất có thể khi bước vào thị trường lao động hiện đại và một xã hội đang thay đổi từng ngày.
Về chuyển đổi xanh, để hỗ trợ cho Việt Nam, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, UNESCO nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh, đặc biệt là thông qua giáo dục. UNESCO có thể cung cấp đội ngũ chuyên gia trí thức hàng đầu trong vấn đề lồng ghép giáo dục về tính bền vững và bảo vệ môi trường trong các chương trình giảng dạy, thúc đẩy các phương pháp giảng dạy thân thiện với môi trường và các dự án thực tế liên quan đến việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Về khoa học tự nhiên, UNESCO sẽ hợp tác với Việt Nam để phát huy tri thức khoa học phục vụ quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và bền vững môi trường trong bối cảnh mới. Đặc biệt, các giải pháp khoa học và năng lực thể chế nhằm quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được tăng cường và các điểm được UNESCO công nhận tại Việt Nam sẽ đóng vai trò như những nền tảng cho sự thay đổi và đổi mới.
UNESCO sẽ thúc đẩy Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), các Khu dự trữ sinh quyển giữ vai trò như các phòng thí nghiệm sống, trung tâm học tập và là nơi thí điểm nghiên cứu về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Ngoài ra, UNESCO cũng sẽ khuyến khích khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) để phát triển bền vững ở Việt Nam. Sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào khoa học vẫn là một vấn đề xuyên suốt cần được lồng ghép vào tất cả các hoạt động.
UNESCO sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm tăng cường năng lực quốc gia trong việc giải quyết và đối phó với những thách thức liên quan tới an ninh nước và cải thiện khả năng chống chọi khí hậu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự chuyển đổi của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững thông qua hai dự án khu vực liên quan tới nguồn nước xuyên biên giới ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong.
Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những người đã mất đi người thân, gia đình, cộng đồng và tài sản trong cơn bão lũ vừa qua ở Việt Nam. UNESCO cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giúp cộng đồng khắc phục hậu quả và trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu
UNESCO cũng sẽ đẩy nhanh việc thực hiện SDG bằng cách thúc đẩy các Khu dự trữ sinh quyển thế giới (11 KDTSQTG tại Việt Nam) và Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO như một mô hình phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên.
UNESCO sẽ tăng cường triển khai các mục tiêu phát triển bền vững bằng cách thúc đẩy các khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất của UNESCO như một mô hình phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên.
UNESCO sẽ giúp nâng cao vai trò của hai trung tâm C2C về Toán học và Vật lý nhằm thúc đẩy các ngành khoa học cơ bản và STEM cho giới trẻ, cũng như là hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai khoa học mở. UNESCO cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy ngoại giao khoa học và trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực của khoa học nhằm thu hẹp khoảng cách về giới.
Về khoa học xã hội và nhân văn, UNESCO sẽ hỗ trợ công tác tăng cường các chiến lược, năng lực và mạng lưới quốc gia về tri thức khoa học xã hội và nhân văn tiên tiến nhằm phát hiện các xu hướng biến đổi xã hội, để xây dựng các giải pháp chính sách hiệu quả và thúc đẩy chương trình phát triển bao trùm.
UNESCO cũng sẽ đóng góp trong công tác thúc đẩy năng lực và chính sách quốc gia, nhằm tăng cường trí tuệ nhân tạo, khoa học và nghiên cứu khoa học, giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như giải quyết các rủi ro liên quan nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn, khuyến nghị và khuôn khổ đạo đức quốc tế.
Về truyền thông và thông tin, UNESCO sẽ hợp tác với Việt Nam trong việc thúc đẩy tính chuyên nghiệp, tính đa dạng của các phương tiện truyền thông, tiếp cận thông tin và kiến thức cũng như sự tiếp cận toàn diện với công nghệ thông tin và truyền thông.
Phó Tổng giám đốc UNESCO Xing Qu hi vọng rằng Việt Nam sẽ phát huy vai trò tích cực của mình tại UNESCO nhằm chia sẻ hơn nữa các kinh nghiệm với các quốc gia thành viên khác, cũng như đóng góp vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng trong tất cả các cơ chế của UNESCO. Trong thời gian tới, UNESCO mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa UNESCO và Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình.
Theo Khải Hoàn - Minh Duy/ Báo Nhân Dân
https://nhandan.vn/dau-moc-lich-su-trong-quan-he-unesco-va-viet-nam-post834240.html?fbclid=IwY2xjawFwL8lleHRuA2FlbQIxMAABHSOI0SqvnunOTtwHhzQuINDXniFWLUv7_xqt6Q2tLI7Y4zfGDiX9Xh1BuQ_aem_A6koImhP_dKSf6QTx00Mvw
Tái công nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” giai đoạn phát triển mới 2024 - 2027 Vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất năm 2023, Công viên địa chất Đắk Nông chính thức được tái công nhận danh hiệu “Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” giai đoạn 2024 - 2027. |
Chuyên gia trong nước và quốc tế tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Ngày 5/8 tại Quảng Ninh đã khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa”. Hội nghị do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức. |