Việt Nam tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Nhận định trẻ em rất thông minh, yêu thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ từ công nghệ song lại quá non nớt trước thủ đoạn của những kẻ xấu trên mạng nên thậm chí ngồi ở trong nhà với cha mẹ và người thân thì trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại, rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề cần bảo vệ các em khỏi vấn nạn này. |
Mối hiểm hoạ tiềm tàng từ trò chơi trên không gian mạng Thời gian qua, trên mạng xã hội trò chơi có tên gọi “Thử thách cá voi xanh”, Thử thách Momo đã xuất hiện ở Việt Nam khiến nhiều người lo ngại bởi nó có thể ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí cả tính mạng người chơi. |
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập internet hằng ngày, cứ ba người truy cập internet thì có một trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng internet, với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội. Không chỉ trở thành công dân số từ rất sớm, trẻ em còn hoạt động trên môi trường mạng nhiều giờ trong mỗi ngày.
Khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội ở Việt Nam là trẻ em. |
Việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành bên cạnh giúp các em tiếp cận những điều bổ ích thì cũng tồn nhiều nguy cơ. Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an, mỗi năm có khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em, trong đó vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Số liệu từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, số lượng cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 tăng đều hằng năm. Kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam cho biết, 1/5 số trẻ em được hỏi từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên không gian mạng. Rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet như tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, tài liệu khiêu dâm; có trẻ em bị dụ dỗ tình dục qua mạng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân… Từ đó cho thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng internet đã ngày càng nguy hiểm, phức tạp.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và đang là vấn đề có tính toàn cầu. Tại Việt Nam vấn đề này đang đặc biệt được phụ huynh, cộng đồng quan tâm. Bởi trẻ bị xâm hại trên môi trường không gian mạng không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn cả tâm lý, khả năng học tập. Môi trường ảo trên mạng đã khiến nhiều trẻ em lựa chọn cuộc sống "ảo"; trở nên cá nhân, riêng tư hơn và ít bị giám sát hơn dẫn tới nhiều trường hợp trẻ em trước khi gặp nguy cơ, rủi ro qua mạng thường hướng đến sự tư vấn, chia sẻ từ bên ngoài hoặc bạn bè, khiến gia đình, cha mẹ khó bảo vệ con hơn.
Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trong cuộc chiến bảo vệ trẻ trước những tác động xấu từ internet. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm dựng nên các "lá chắn" vững chắc để bảo vệ trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Báo chí năm 2016 và gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ em được bảo vệ bởi gia đình, người thân, nhà trường, các trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em, cơ quan bảo vệ pháp luật... Tuy nhiên, trên môi trường mạng, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện vẫn còn thiếu thiết chế để bảo vệ trẻ em. Vì thế, tạo những lá chắn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết, cần phải làm ngay. Trước hết, để giải quyết các vấn đề về trẻ em, phải xem trẻ em là trung tâm của các giải pháp. Từ đó lấy ý kiến (những điều các em lo lắng, cần giúp đỡ) để tìm ra cách giải quyết các vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó, bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển bằng chính những giải pháp số đang là một trong những hướng đi đúng đắn hiện nay. Bởi sử dụng công nghệ số sẽ giúp giải quyết được các vấn đề mấu chốt liên quan đến thông tin trên mạng. Nhà nước trong thời gian tới khuyến khích và hỗ trợ về cơ chế để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chung tay phát triển các ứng dụng, sản xuất nhiều nội dung bổ ích, xây dựng một hệ sinh thái số lành mạnh, giúp trẻ em tương tác, sáng tạo an toàn trên môi trường mạng.
Về phía các doanh nghiệp viễn thông, tăng cường trách nhiệm trong việc ngăn chặn chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung nguy hại, xâm phạm trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện vai trò trách nhiệm của gia đình, trực tiếp là cha mẹ và người thân; tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật trong khi điều tra và xử lý các trường hợp xâm hại trẻ em qua internet. Sự chung sức của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, và sự chủ động của chính trẻ em sẽ giúp thiết lập một môi trường lành mạnh ngoài đời cũng như trên không gian mạng, giúp trẻ em phát triển toàn diện.