Việt Nam tăng 14 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI)
Cụ thể, trong lần đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN, (so với năm 2020, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới và tăng 1 bậc (thứ 6/10) so với ASEAN). Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51.82, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (47.42).
Lý giải điều này, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc đánh giá và xây dựng bộ chỉ số dựa trên nhiều yếu tố như đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, ứng dụng, doanh nghiệp... đặc biệt là sự xuất hiện của chiến lược quốc gia về AI.
Năm 2021, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030. Ngay sau khi ban hành, nhiều hoạt động hiện thực hóa Chiến lược đã được triển khai. Đặc biệt, hoạt động quảng bá Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện hiệu quả trong năm 2021 với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Australia.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy Việt Nam xếp hạng 62 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. (Ảnh minh họa) |
Được biết, báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của chính phủ từ 160 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của mình. Chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của chính phủ ở các quốc gia so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển.
Phương pháp đánh giá năm 2021 sử dụng 42 chỉ số (cao hơn 9 so với chỉ số của năm 2020) trên ba trụ cột (chính phủ, cơ sở hạ tầng và ngành công nghệ) với 10 khía cạnh thuộc nhóm nhân lực, dữ liệu và cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới, tầm nhìn, khả năng thích ứng, quản trị và đạo đức, năng lực kỹ thuật số, quy mô, tính sẵn có của dữ liệu. Việc mở rộng chỉ số mang lại bức tranh lớn và sâu hơn về sự sẵn sàng cho AI của các nước.
Năm nay, báo cáo chia thế giới thành 9 khu vực gồm Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Caribe, Tây Âu, Đông Âu, Châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, Nam và Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương. Báo cáo phân tích các ý kiến chuyên gia cho từng khu vực trên thế giới. Mỗi khu vực chọn ra một quốc gia là tiêu điểm, được xác định trở thành nhà lãnh đạo khu vực hoặc quốc gia có những sáng kiến điển hình, nổi bật về sự sẵn sàng AI.
Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với điểm số 88.16 nhờ vào quy mô và tốc độ phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Quốc gia này nổi tiếng là quê hương của nhiều kỳ lân công nghệ và sức mạnh này thúc đẩy phần lớn các nghiên cứu và thương mại hóa AI. Singapore xếp thứ hai với 88.46 với chỉ số quản trị nhân lực và năng lực đổi mới được đánh giá cao.
Báo cáo nêu rõ, một số quốc gia như Myanmar chỉ 31,57 điểm, Campuchia chỉ 33,35 điểm và Papua New Guinea chỉ 34,75 điểm - mức điểm dưới mức trung bình toàn cầu bởi các quốc gia này gặp bất lợi do không có các chiến lược AI quốc gia, điều này ảnh hưởng đến điểm số trong khía cạnh tầm nhìn, cũng như các lĩnh vực công nghệ nhỏ hơn.
Các khu vực có điểm số trung bình thấp nhất là châu Phi cận Sahara, châu Mỹ Latinh và Caribe, Nam và Trung Á. Ba quốc gia xếp "hạng chót" gồm Angola (thứ 158, điểm 22.87); Cộng hòa Trung Phi (thứ 159, điểm 20.73) và Yemen (thứ 160, điểm 15.01).