Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng về mục đích và ý nghĩa chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. Ảnh: TTXVN phát |
Thưa Đại sứ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC và thăm Saudi Arabia từ ngày 18-20/10. Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp cụ thể nào cho cơ chế hợp tác này? Và tại Hội nghị Cấp cao lần đầu tiên này, đoàn Việt Nam sẽ có những sáng kiến hay hoạt động nổi bật nào để góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN và GCC trong thời gian tới?
Quan hệ ASEAN - GCC được đặt nền móng từ những năm 1990 khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và GCC gặp nhau lần đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) được tổ chức tại New York (Mỹ). Trải qua hơn 30 năm hợp tác và phát triển, ASEAN và GCC thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ thông qua các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC nhằm xác định các biện pháp lớn đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trải rộng từ chính trị, kinh tế, thương mại - đầu tư đến văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, thông tin… Có thế nói để đạt được những thành tựu hợp tác như ngày nay, cả ASEAN và GCC đã trải qua một tiến trình phát triển khá dài, với sự chung tay của tất cả các quốc gia thành viên.
Là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC. Chúng ta đã đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - GCC vào năm 2018, nỗ lực thúc đẩy và cùng nước Chủ tịch GCC năm 2018 đồng chủ trì thành công cuộc làm việc giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – GCC, bên lề Đại hội đồng LHQ lần thứ 73 tại New York diễn ra vào tháng 9/2018. Bên cạnh đó, trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai khu vực và mối quan hệ trải dài qua nhiều thập kỷ của hai tổ chức, Việt Nam luôn cùng với các quốc gia thành viên tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào các nhiệm vụ hợp tác trọng tâm để qua đó đưa quan hệ ASEAN - GCC ngày càng thực chất hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Chính vì vậy, Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC tại Saudi Arabia là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu một mốc phát triển mới trong quan hệ giữa hai bên, thể hiện sinh động quyết tâm chung của các quốc gia thành viên ASEAN và GCC trong việc tăng cường hợp tác, phát triển vì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở cả hai khu vực cũng như trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, tham dự Hội nghị Cấp cao lần này với tâm thế Việt Nam sẵn sàng đóng góp cho thành công chung của hội nghị. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEAN và GCC chia sẻ các sáng kiến, biện pháp lớn nhằm khơi gợi tiềm năng, thúc đẩy quan hệ giữa hai khu vực, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng với cả khối GCC và với từng thành viên GCC trong các lĩnh vực cùng quan tâm như thương mại, đầu tư, an ninh năng lượng và lương thực, chống khủng bố, kết nối, du lịch, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư và giao lưu nhân dân, qua đó tạo sức sống mới cho quan hệ ASEAN - GCC.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Đại sứ đánh giá thế nào về kết quả hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian qua và triển vọng sắp tới?
Các quốc gia thành viên GCC, trong đó có Saudi Arabia, đều là các đối tác hợp tác ưu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi. Việt Nam và Saudi Arabia là hai quốc gia có nền tảng quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp, với nhiều điểm tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Cùng với nhiều tiềm năng đang được hai nước nỗ lực khai thác, với nhiều dư địa phát triển, tôi khẳng định rằng hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và sẽ còn nhiều tiến triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tôi xin nêu một số điểm cụ thể như sau:
Về chính trị, Việt Nam và Saudi Arabia đang duy trì tốt các cơ chế trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao. Chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp quan trọng để hai bên củng cố tin cậy chính trị cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, với những kết quả thực chất và hiệu quả cao hơn.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Saudi Arabia là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Điều này cho thấy đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng mà hai nước cần khai thác, nhất là trong xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal.
Cũng cần nói thêm rằng cả Việt Nam và Saudi Arabia đều có những nhu cầu đầu tư vào các thị trường của nhau trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp nặng và công nghiệp thực phẩm. Thời gian qua, một số tập đoàn lớn của Saudi Arabia đã đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép, qua đó tạo nên những điểm sáng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Ngoài ra, các lĩnh vực như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hạ tầng số và viễn thông… cũng là những lĩnh vực chính phủ hai nước đặc biệt chú trọng với những tiềm năng hợp tác rõ rệt.
Như vậy có thể khẳng định mạnh mẽ rằng những kết quả tích cực trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho sự phát triển không ngừng của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia, sự tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đây cũng là cơ sở vững chắc để tôi tin vào triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ giữa hai bên thời gian tới.
Hai nước cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác cụ thể nào để có thể đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại song phương, thưa Đại sứ?
Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại thời gian qua, và theo chỉ đạo của Chính phủ, tôi nhận thấy sắp tới hai nước cần tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, không ngừng thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa hai nước,
Hai là, tích cực tháo gỡ các vấn đề vướng mắc như các tập quán kinh doanh và quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp hai nước chủ động tham gia các chương trình, các hoạt động xúc tiến, quảng bá của nhau, qua đó tổ chức có hiệu quả các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp hai nước.
Từ những nhiệm vụ cụ thể nói trên, tôi cho rằng trong thời gian tới, các cơ chế hợp tác song phương cần tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó tháo gỡ những “điểm nghẽn”, xác định rõ hướng phát triển cũng như đề ra các biện pháp lớn triển khai trong các lĩnh vực tôi vừa nêu.
Theo đó, Việt Nam và Saudi Arabia cần tiếp tục triển khai tốt cơ chế Ủy ban hỗn hợp (sắp tới sẽ có kỳ họp thứ 5 vào tháng 12/2023), là cơ chế hữu hiệu để cùng đánh giá, kiểm điểm kết quả hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, hai nước cũng cần tiếp tục tích cực đàm phán và thúc đẩy ký kết các biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan chức năng hai bên, giữa các Phòng thương mại công nghiệp với nhau và với các địa phương như đã đạt được tại Diễn đàn Kinh doanh tháng 9 vừa qua tại Hà Nội. Thêm vào đó, các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng cụ thể giữa doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh, sản xuất, thương mại, du lịch, nhân lực… cũng là một “cơ chế ở cấp cơ sở”. Chính những cơ chế hợp tác ở các tầng nấc này, sau khi được ký kết và triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng, với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong nước cũng như các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả thiết thực, đóng góp thực chất vào sự phát triển quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Saudi Arabia.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo Nguyễn Trường/TTXVN
https://baotintuc.vn/chinh-tri/viet-nam-san-sang-dong-gop-vao-thanh-cong-chung-cua-hoi-nghi-cap-cao-asean-gcc-20231018055753150.htm