Việt Nam phản đối các cuộc tập trận phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
Vĩnh Bảo (t/h) 06/07/2022 11:37 | Nhịp sống biển đảo


Một thông báo mới được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) nói rằng cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 5-6/7, không lâu sau khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở vùng biển này.
Tờ TNO cho biết, theo thông báo trên, cuộc tập trận mới diễn ra từ 6 giờ ngày 5/7 đến 18 giờ 30 giờ ngày 6/7, tại khu vực được giới hạn bởi các tọa độ: 18o51,87 vĩ bắc/110o30,65 kinh đông, 18o51,87 vĩ bắc/110o36,35 kinh đông, 18o46,47 vĩ bắc/110o30,65 kinh đông, 18o46,47 vĩ bắc/110o36,35 kinh đông, 18o47,18 vĩ bắc/110o31,53 kinh đông, 18o46,52 vĩ bắc/110o34,88 kinh đông, 18o55,13 vĩ bắc/110o33,32 kinh đông và 18o54,47 vĩ bắc/110o36,65 kinh đông.
Kết quả đối chiếu những tọa độ trên lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo không nói rõ quy mô tập trận, chỉ nói tàu thuyền bị cấm vào khu vực liên quan.
![]() |
Tàu hộ vệ thuộc Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc trong một cuộc huấn luyện tác chiến ngày 13/6. Ảnh: CHINAMIL.COM/TNO |
Trước đó, website của MSA đã đăng hàng loạt thông báo về tập trận ở Biển Đông, trong đó có thông báo vào ngày 24/6 nói rằng tập trận sẽ diễn ra ở Biển Đông từ 6 giờ ngày 27/6 đến 11 giờ ngày 30/6. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ được nêu trong thông báo lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo này cũng không nêu rõ quy mô cuộc tập trận, chỉ nói cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan.
Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post. Trong đó còn một cuộc tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 19/6.
Được biết, ngày 4/7, Nhân dịp dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC) lần thứ 7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị).
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu sớm đạt COC thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế; cùng giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định Trung Quốc mong muốn thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết bất đồng; sẵn sàng cùng ASEAN thực hiện tốt DOC, sớm đạt được COC, duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải.
Liên quan đến cuộc tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 19/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh trong một buổi họp báo: "Việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông".
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.


Đáng chú ý
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm ở New York, Mỹ

Bài viết mới
Xăng dầu giảm giá, ngư dân Hải Phòng tăng cường vươn khơi bám biển

Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, tái định cư xây dựng đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình

Chuyên đề

Những người lính Mỹ năm xưa nã đạn vào Việt Nam, hôm nay trở lại. Họ quay lại như một sự trở về với tiếng gọi của lương tri. Người Việt Nam đã mở vòng tay chào đón. Hai bên cùng lấp những hố bom bằng màu xanh cây lá, thắp lên ngọn lửa yêu đời và hi vọng cho những nạn nhân chiến tranh. Rồi từ đây, những hạt giống hữu nghị, hoà bình đâm chồi, nảy lộc.

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |