Việt Nam đủ điều kiện pháp lý cơ bản để EC gỡ "thẻ vàng" thuỷ sản
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
EC cũng khuyến nghị 9 nhóm giải pháp với Việt Nam để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" này.
Chia sẻ với báo chí gần đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quang Hùng cho biết Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc khắc phục "thẻ vàng" thuỷ sản của EC.
Cụ thể, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp theo 9 khuyến nghị của EC. Đặc biệt, đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Ảnh: VOV) |
Về phía các địa phương, 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng đã thành lập các Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, triển khai các thông tư, nghị định hướng dẫn... qua đó kiểm soát tàu cá, sản lượng hải sản phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, thu nộp nhật ký khai thác... được tốt hơn.
Về phía các Bộ, ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường đàm phán, hợp tác tìm kiếm các giải pháp tổng thể nhằm đáp ứng các khuyến nghị của EC.
Đáng chú ý, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đối với nhóm khuyến nghị của EC liên quan đến khung pháp lý thì Việt Nam đã cơ bản đáp ứng.
Việc EC áp dụng "thẻ vàng" khiến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh (Ảnh: VASEP). |
Đối với nhóm khuyến nghị liên quan đến việc thực thi pháp luật trên biển, Luật Thủy sản là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai.
Đối với nhóm khuyến nghị hợp tác quốc tế, hiện nay Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, ký kết đường dây nóng để xử lý các vấn đề trên biển.
Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, cần phải quy hoạch lại ngành khai thác hải sản, hệ thống cảng cá; tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch phát triển nghề khai thác hải sản bền vững.
Giải pháp quan trọng nhất, theo ông Hùng, là tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động ngư dân về việc khai thác. Ngư dân là người trực tiếp khai thác ngoài biển khơi, khi gỡ được "thẻ vàng" thì chính ngư dân là người được hưởng lợi - ông Hùng nhấn mạnh.