Ngày mai, Ủy ban Châu Âu kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản
Bộ trưởng Cường cũng kiểm tra Văn phòng thường trực IUU (về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định) đặt tại Tổng cục Thủy sản và Trung tâm thông tin tàu cá, thuộc Cục Kiểm ngư Việt Nam.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu các đơn vị liên quan, làm việc với đoàn thanh tra của EC về khắc phục “thẻ vàng” của Việt Nam với trách nhiệm cao nhất, minh bạch, khách quan về thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Tổng cục Thủy sản. Ảnh TP.
Theo Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Thủy sản, từ ngày 15 đến 24/5, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam, bắt đầu kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam liên quan đến vấn về IUU.
Đoàn thanh tra của EC sẽ đi kiểm tra thực tế tại số địa phương ở Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, các cảng cá, làm việc một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU, các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT… Sau đó, đoàn sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường để “chốt” những vấn đề sau đợt kiểm tra.
Làm việc với Tổng cục Thủy sản, Bộ trưởng Cường cho biết, ngày 23/10/2017, EC đã dơ “thẻ vàng” với Việt Nam, đồng thời đưa ra 9 khuyến nghị, đề nghị Việt Nam sớm khắc phục.
Theo Bộ trưởng, đến nay, 9 khuyến nghị của EU đã được lồng vào Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua. “Các khuyến nghị của EC, cũng là những vấn đề Việt Nam cần cải thiện, hướng đến xây dựng một nghề cá bền vững, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường và quan trọng giúp ích cho ngư dân”- Bộ trưởng nói.
Tàu cá đang hoạt động trên biển hiện thị tại Trung tâm quan sát tàu cá, thuộc Cục Kiểm ngư. Ảnh TP.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho biết, để sớm khắc phục “thẻ vàng”, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cũng như triển khai hành động cụ thể ở 28 địa phương ven biển, cùng tại 5 ngư trường trọng yếu của Việt Nam.
Khi làm việc với đoàn chuyên gia của EC, Bộ trưởng yêu cầu: “Các chuyên gia của EC sang để kiểm tra kiểm tra lại những nỗ lực của của Việt Nam trong vấn đề khắc phục “thẻ vàng”. Quan điểm của chúng ta là làm việc với trách nhiệm cao nhất, minh bạch, khách quan về thông tin. Thông điệp này cần truyền tải đến các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân”.
Theo ông Cường, Việt Nam không che giấu thông tin, làm đến đâu chỉ ra đến đó để minh bạch trong việc phối hợp với phía EC. Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, hai bên sẽ thảo luận về những vấn đề Việt Nam đã làm được, đồng thời phía Việt Nam ghi nhận những vấn đề về phía EC góp ý, điều chỉnh phù hợp, đúng thực tế.
“Tuy nhiên, với hệ thống trên 110.000 tàu cá, hàng triệu ngư dân…việc khắc phục ngay những tồn tại, nhất hiện đại hóa hệ thống cảng cá, tàu cá…chúng ta rất khó làm trong một thời gian ngắn. Dẫu vậy, quá trình đó, chúng ta phải thực hiện với nỗ lực cao nhất để xây dựng một nghề cá phát triển bền vững, hội nhập, có trách nhiệm”, Bộ trưởng Cường lưu ý.
Bộ trưởng Cường cũng yêu cầu Phòng thường trực phải cập nhật toàn bộ các tài liệu văn bản pháp luật, các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân liên quan đến nỗ lực khắc phục IUU của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện Việt Nam có khoảng trên 110 tàu cá, trong đó, tàu có công suất trở lên là 33.600 chiếc. Nếu tính theo chiều dài của tàu cá, tàu có chiều dài 15m trở lên (phải lắp thiết bị giám sát hành trình) gần 25.000 tàu cá chiếc.
Hiện hiện qua hệ thống quan sát tàu cá bằng vệ tinh movimar và hệ thống trạm bờ Vx 1700, cơ quan chức năng có thể biết được thông tin về tàu, chủ tàu, vị trí, tọa độ của tàu cá… đang hoạt động. Qua những thiết bị ngày, Tổng cục Thủy sản có thể gửi những thông tin cảnh báo đến các tàu khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, tại buổi gặp gỡ của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường với Cao ủy phụ trách môi trường, hàng hải và thủy sản của EU, phía EU đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi về IUU. Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, việc tăng cường giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.
Tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt. Đặc biệt là tàu cá vi phạm tại các quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có, chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia...
V.Đ (t/h)