Việt Nam - Đối tác quốc tế có trách nhiệm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết Na Uy luôn thấy Việt Nam là một thành viên ASEAN tích cực và có trách nhiệm. (Ảnh: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam) |
Nhưng trong bối cảnh đại dịch, ta được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người, về sự sẻ chia bất chấp những khác biệt về quốc tịch và ngôn ngữ.
Tôi thực sự xúc động khi đọc những bản tin về đội ngũ y bác sĩ và những cán bộ ở tuyến đầu chống dịch của Việt Nam đang chống dịch ngày đêm, sẵn sàng đi tới những điểm nóng để hỗ trợ hết mình.
Những câu chuyện này nói lên rất nhiều về sức mạnh của người Việt Nam.
Chắc hẳn không ai có thể quên câu chuyện về các bác sĩ Việt Nam đã dốc hết sức lực trong 100 ngày để cứu sống phi công người Anh bị nhiễm COVID-19 hồi tháng Ba năm ngoái. Bệnh nhân số 91 này đã trở thành tiêu điểm của cả truyền thông trong nước và quốc tế.
Và câu chuyện mới nhất xảy ra tháng 6 năm nay. Theo đề nghị của Liên hợp quốc (LHQ), lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân COVID-19 là cán bộ của LHQ, theo chương trình MEDEVAC. Câu chuyện này không chỉ đánh dấu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và LHQ mà nó còn chạm đến trái tim của các nhân viên LHQ trong khu vực, cả những người nước ngoài và các nhà ngoại giao ở Việt Nam như tôi. Đó là biểu tượng của sự thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam, điều này có ý nghĩa vô vùng quan trọng trong những thời điểm khắc nghiệt này.
"Việt Nam luôn là một đối tác quốc tế có trách nhiệm, các chính sách của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng thể hiện điều đó. Việt Nam đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, cung cấp các dịch vụ, thiết bị và hỗ trợ điều trị y tế cho các nước khác cũng như đóng góp ngân sách cho cơ chế COVAX." |
Trong bối cảnh đầy thách thức do đại dịch COVID-19, chúng tôi thực sự ấn tượng vì những gì Việt Nam đã thể hiện. Việt Nam cam kết duy trì sự gắn kết của ASEAN trong đối phó với COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đồng thời làm cho tiếng nói của ASEAN rõ rệt hơn trên các diễn đàn toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán trên các diễn đàn đa phương, như LHQ, kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác quốc tế để cùng nhau ứng phó với đại dịch. Ở những thời điểm như thế này, mỗi nghĩa cử sẻ chia đều rất cần thiết và được trân trọng.
COVID-19 lây lan xuyên biên giới. Đại dịch này không phải của riêng ai. Đoàn kết quốc tế là sức mạnh quan trọng để ứng phó với đại dịch.
Thực tế cho thấy COVID-19 đã trở thành yếu tố phá vỡ an ninh lớn nhất thế kỷ một cách phi truyền thống. Trong thời điểm này, điều tối quan trọng là chúng ta phải khẳng định lại cam kết chung trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: duy trì chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế lấy LHQ làm trung tâm.
Chúng ta phải bảo vệ và củng cố trật tự quốc tế vốn đã và đang phục vụ chúng ta rất hiệu quả, một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, có thể đoán định được, để giúp thế giới an toàn và ổn định hơn.
Chúng ta cần một trật tự thế giới nơi các quốc gia lớn và nhỏ có thể hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp chung, nơi các cường quốc không thể hành động đơn phương, nơi “chân lý sẽ chiến thắng sức mạnh”. Đó là điều tốt nhất cho chúng ta. Trên thực tế, chủ nghĩa đa phương là cam kết vượt trên cả lợi ích bản thân.
Việt Nam nên cảm thấy tự hào khi sắp hoàn thành những tháng cuối nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. |
Tôi theo dõi rất sát các hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và vai trò chủ động của Việt Nam. Các bạn đã tích cực phối hợp với các ủy viên trong Hội đồng Bảo an để tìm kiếm các giải pháp cân bằng và xây dựng, thể hiện tính thực tế để đạt được đồng thuận chung về những giải pháp và tuyên bố của Hội đồng Bảo an.
Việt Nam nên cảm thấy tự hào khi sắp hoàn thành những tháng cuối nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Cũng giống Na Uy, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đa phương hiệu quả mà nòng cốt là LHQ. Một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế là sự bảo vệ tốt nhất cho các quốc gia nhỏ và vừa như Na Uy và Việt Nam.