Việt Nam - Cuba: 60 năm cơ duyên lịch sử
Tình hữu nghị Việt Nam - Cuba trên những nẻo Trường Sơn gian khó |
Tấm lòng nhà thơ Cuba với Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Giao lưu hữu nghị Việt Nam – Cuba tại Ninh Bình kỉ niệm 58 năm chiến thắng Hiron |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Dân trí |
Nhắc đến quan hệ Việt Nam - Cuba là nói đến mối quan hệ truyền thống đặc biệt, vừa là đồng chí vừa là anh em. Sự gắn kết về lý tưởng cách mạng cao đẹp của thời đại, đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc đã tạo nên sự đồng cảm, thấu hiểu giữa hai dân tộc ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, tạo nên nghĩa tình đi qua 60 năm thăng trầm của lịch sử, vượt cả giới hạn, quy tắc thông thường trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam và Cuba chia sẻ những nét tương đồng trong các sự kiện quan trọng, không những làm thay đổi vận mệnh đất nước mà còn là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với những cuộc nổi dậy của các dân tộc chịu áp bức trên toàn thế giới. Trong những năm 50 của thế kỷ trước, hòa chung dòng chảy không thể đảo ngược của phong trào đấu tranh chống thực dân và giải phóng dân tộc, Việt Nam có chiến thắng Ðiện Biên Phủ vang dội địa cầu năm 1954, Cuba cũng có chiến thắng ngày 1-1-1959 của nhân dân Cuba, một trong những sự kiện có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ la-tinh trong thế kỷ 20, làm thay đổi cục diện chính trị của khu vực.
Không lâu sau cách mạng thành công, ngày 2-12-1960, Cộng hòa Cuba đã trở thành nước đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðây không chỉ là sự kiện trọng đại trong quan hệ giữa hai nước, mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với Chính phủ Việt Nam non trẻ. Vượt qua khoảng cách địa lý và hoàn cảnh khó khăn, Cuba đã kề vai sát cánh, hỗ trợ nhân dân Việt Nam như một người bạn chân thành, một người đồng chí tin cậy. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam, Cuba luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, chấp thuận Phái đoàn Ðại diện thường trú của Mặt trận (tháng 7-1962), bổ nhiệm Ðại sứ (tháng 3-1969) và là đại diện nước ngoài duy nhất thường trú bên cạnh Chính phủ lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam...
Ðầu những năm 1960, khi Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời cắt quan hệ ngoại giao và áp đặt cấm vận thương mại với Cuba, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Fidel, Ủy ban Ðoàn kết với Việt Nam ra đời, qua đó tình cảm đoàn kết với Việt Nam lan tỏa đến trường học, bệnh viện, nhà máy, công trường, các lực lượng vũ trang và toàn thể người dân Cuba, trở thành phong trào rộng lớn trên cả nước, với khẩu hiệu "Tất cả vì Việt Nam". Không một nước nào trên thế giới như Cuba, nơi có hàng nghìn nhà máy, trường học và khu phố mang tên các địa danh, các anh hùng chống Mỹ của Việt Nam.
Là lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước, lãnh tụ Fidel cũng tuần hành cùng toàn dân, thể hiện đoàn kết với Việt Nam. Fidel từng đưa ra câu nói nổi tiếng "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!". Vào thời khắc cam go trong cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Fidel đã biến những chuyến công du nước ngoài thành những chuyến vận động chính phủ và nhân dân các nước đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 16-9-1973, Fidel trở thành lãnh tụ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng giải phóng Quảng Trị.
Nhân dân Việt Nam không quên những cán bộ, chuyên gia và công nhân Cuba đã đến Việt Nam trong những tháng năm khói lửa: Ðó là những thủy thủ Cuba chia lửa với nhân dân Việt Nam trong những ngày bom đạn trên cảng Hải Phòng. Ðó là những công nhân, chuyên gia Cuba sát cánh cùng các chiến sĩ công binh xây dựng đường Trường Sơn, ngày đêm lao động giúp xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Ðồng Hới, khách sạn Thắng Lợi... Các công trình Cuba viện trợ không chỉ là những món quà quý giá về vật chất, mà còn thể hiện tình cảm đặc biệt của nhân dân Cuba trong hoàn cảnh nước bạn cũng gặp muôn vàn khó khăn và phải nhận viện trợ nước ngoài.
Không chỉ đồng hành trong những tháng năm chiến tranh gian khó, Cuba còn kề vai, sát cánh với Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đối phó những hành động bao vây cô lập, cấm vận, chống phá Việt Nam sau ngày chiến thắng. Cuba có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ La-tinh ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tại khóa 32 Ðại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977.
Trong thời kỳ mới của cách mạng mỗi nước, Việt Nam tiếp tục giành những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và Cuba tiếp tục nỗ lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cuba vẫn phải đối mặt những khó khăn chồng chất. Là những người anh em, Việt Nam luôn coi việc đoàn kết và ủng hộ hợp tác với những người anh em Cuba là nguyên tắc, là mệnh lệnh trái tim của mỗi người Việt Nam, là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam thủy chung với bạn bè, đồng chí, anh em.
Ngày 16-9-1973, Fidel trở thành lãnh tụ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Ảnh tư liệu |
Trải qua thăng trầm của lịch sử, giờ đây, hai nước đang đứng trước những vận hội mới và cả những thách thức mới. Quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực. Các đoàn đại biểu, ở cấp cao nhất của Ðảng và Nhà nước ta đến các bộ, ngành, trong suốt những năm qua, gần đây nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thăm Cuba. Lãnh đạo cấp cao Cuba cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm Việt Nam, có thể kể đến chuyến thăm của Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel. Ðây là những dịp để lãnh đạo Ðảng và Nhà nước hai nước đánh giá sự phát triển của quan hệ hai nước, thảo luận đường hướng mới, nhằm không ngừng làm sâu sắc mối quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, vì lợi ích và vận mệnh của hai dân tộc.
Có thể khẳng định Việt Nam và Cuba có đầy đủ các yếu tố để vun đắp mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển bền chặt hơn. Cả hai nước đều nhận thức được cơ hội và nhu cầu sát cánh bên nhau tại các diễn đàn quốc tế, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của các nước nhỏ trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, khả năng can thiệp, áp đặt của các nước lớn. Trong khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, đã thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì Cuba sau thời gian nghiên cứu kinh nghiệm Việt Nam và các nước bạn bè, cũng đang tập trung triển khai cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế. Cả Việt Nam và Cuba thống nhất đánh giá hai nước là đối tác quan trọng của nhau về kinh tế. Việt Nam được Cuba chọn là đối tác đầu tiên tại châu Á để cùng nghiên cứu, đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại mới (tháng 11-2018). Hai bên cũng triển khai Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giai đoạn 2014-2019 và chuẩn bị ký chương trình cho giai đoạn 2020-2025. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á, châu Ðại Dương và là nhà cung cấp gạo chủ yếu của Cuba, đồng thời hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giúp Cuba từng bước bảo đảm an ninh lương thực...
Bước vào năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba, chúng ta vô cùng tự hào về sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước và về mối quan hệ đoàn kết thủy chung giữa hai Ðảng, hai dân tộc. Càng tự hào, chúng ta càng vững tin vào tương lai tươi sáng của mỗi nước và của mối quan hệ đặc biệt gắn bó Ðảng và nhân dân hai nước suốt chặng đường dài sáu thập kỷ qua. Chúng ta tin vào sức sống mãnh liệt của khẩu hiệu đã đồng hành, tiếp sức cho hai nước trên mỗi chặng đường: Việt Nam - Cuba! Ðoàn kết nhất định thắng!
Bùi Thanh Sơn
Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao