Việt Nam - Campuchia hợp tác quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước
Nằm ở thượng nguồn sông Mekong, Campuchia có đường biên giới chung với Việt Nam dài 1.137 km. Trên đường biên giới đó, có khoảng hơn 580 km với 31 sông suối biên giới từ Tây Nguyên về Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó 26 nhánh sông dài khoảng 360 km thuộc lưu vực sông Mekong và 7 sông suối biên giới thuộc khu vực Bình Phước – Tây Ninh dài khoảng 220 km.
Sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng khiến nhu cầu khai thác, sử dụng nước của hai quốc gia không ngừng gia tăng, đặt ra yêu cầu hợp tác về quản lý, chia sẻ nguồn nước chung.
Trên cơ sở hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia nói chung và hợp tác tài nguyên nước xuyên biên giới nói riêng, Việt Nam và Campuchia đã đưa vào chương trình nghị sự của các phiên họp liên Chính phủ Việt Nam – Campuchia nội dung phối hợp, hợp tác sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan trên sông Mekong nhằm hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Việt Nam – Campuchia hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. (Ảnh: Trường Hùng) |
Hai nước đều là thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế - tổ chức đóng vai trò thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia. Hai nước cũng phối hợp thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong năm 1995 và bộ Quy chế sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế, các thỏa thuận tại các hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế và các cơ chế hợp tác khu vực có liên quan.
Đối với lưu vực sông Sê San – Srêpốk, Việt Nam là thượng nguồn của Campuchia và đã đóng vai trò một quốc gia thượng nguồn trách nhiệm trong việc duy trì dòng chảy tối thiểu hợp lý xả sang Campuchia; thường xuyên chia sẻ thông tin về các đợt xả nước do vận hành bất thường và trong trường hợp sự cố từ các đập thủy điện trên lưu vực sông Sê San – Srêpốk. Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với phía Campuchia trong việc phòng chống, giảm nhẹ tác hại và các hiện tượng cực đoan liên quan đến tài nguyên nước.
Đối với lưu vực sông Mekong, Việt Nam là hạ nguồn của Campuchia. Hai bên thực hiện các hợp tác trao đổi, hỗ trợ cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan nhằm góp phần tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt trong thực hiện hợp phần xuyên biên giới của Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong của Ủy hội sông Mekong quốc tế, làm cơ sở cho các chương trình hợp tác song phương về quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Từ năm 2001, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất cùng nhau xây dựng một Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới hai nước, trong đó đầu mối bên phía Campuchia là Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng và phía Việt Nam là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tới năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp quản làm đầu mối đàm phán xây dựng quy chế này cho tới nay.
Hiệp định nêu trên không chỉ quy định các hoạt động cùng quản lý và chia sẻ nguồn nước dọc biên giới Việt Nam và Campuchia mà còn đặt nền móng cho các cơ chế hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu; hợp tác về mạng quan trắc lưu vực, dự báo cảnh báo; hợp tác giữa các tổ chức quản lý lưu vực sông hai Bên cho khu vực châu thổ Mekong và lưu vực sông Sê San – Srêpốk.
Mặt khác, dự án hợp tác “tăng cường tính bền vững tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia – Đồng bằng sông Cửu Long” đã được hai bên khởi động năm 2020, bước đầu cải thiện hệ thống nước ngầm ở khu vực này, vốn đang bị khai thác quá mức.
Trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12/2021, Việt Nam - Campuchia nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mekong. Theo đó, hai bên chia sẻ quan điểm và nhất trí tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, cũng như trong các khuôn khổ tiểu vùng, trong đó có các cơ chế hợp tác Mekong để bảo đảm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. |