Vì sao phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho đường sắt Cát Linh-Hà Đông?
Trong tháng 10/2015 sẽ xong đoàn tàu mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 15/10/2015, đoàn tàu mẫu tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ phải hoàn thành để người dân tham quan, đóng góp ý kiến trước khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Theo dự kiến, Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ mua sắm 13 đoàn tàu, loại B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ, với giá trị hơn 63 triệu USD.
Các đoàn tàu này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co., Ltd) sản xuất. Đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt này với tốc độ không cao, không đòi hỏi thiết kế khí động học nhưng vẫn cần dáng vẻ hiện đại, năng động với màu sắc, họa tiết trang trí trẻ trung, đậm đà bản sắc văn hóa thủ đô văn hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Trước yêu cầu trên, đầu tháng 6 vừa qua, tổng thầu Trung Quốc đã đưa ra 6 phương án thiết kế ngoại thất gồm: phương án 1, 2 và 3 đều có hình dáng đầu tàu hình tròn tù, gần với hình dạng đầu tàu cổ điển, tuy có trang trí hiện đại hơn ở kính, đèn pha, gạt nước, cản trước... chỉ khác nhau ở phần trang trí đường nét màu sắc bên ngoài đoàn tàu.
Phương án 4 và 5 chỉ khác 3 phương án trên ở phần cản trước chống xô dưới đầu tàu có bo tròn về phía sau.
Phương án 6 đầu tàu có hình vát nhọn, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao, kính chắn gió, kính cửa sổ có màu sẫm, cửa sổ ẩn, tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn nhưng vẫn sang trọng, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô văn hiến.
Giải thích cho việc mua tàu của Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện công nghệ tàu của Trung Quốc cũng rất phát triển dần bắt kịp với công nghệ tàu của các nước phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản.
Hơn nữa, Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị từ năm 1969 (tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Bắc Kinh); tuyến tàu điện ngầm tiếp theo được xây dựng ở thành phố Thiên Tân năm 1984. Từ năm 2000, hệ thống vận tải nhanh trên các thành phố của Trung Quốc được tăng tốc đầu tư. Thủ đô Bắc Kinh hiện đã có 18 tuyến Đường sắt đô thị, 319 nhà ga, 527 km vận hành, với năng lực vận tải tới khoảng 9 triệu hành khách/ngày.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tại các đô thị, thành phố lớn, đặc biệt như thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lưu lượng giao thông rất lớn, ùn tắc và nguy cơ ùn tắc hiển thị hàng ngày. Giao thông đường sắt đô thị là loại hình phương tiện hiện đại, có năng lực vận tải lớn có thể giải quyết tình trạng ách tắc giao thông đang diễn ra hiện nay đồng thời mang lại sự phong phú về các loại hình giao thông hiện đại, tạo ra một diện mạo mới cho Thủ đô và hạ tầng giao thông đô thị trong thành phố ngày càng phát triển, hiện đại mang lại sự tiện ích cho người dân.
Được biết, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông này, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đã cử 37 cán bộ sang Trung Quốc để học vận hành lái tàu.
Hiện nay đơn vị này đang phối hợp với UBND TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan tiếp tục cử người sang Trung Quốc học tập kỹ thuật lái tàu cho tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 15/10/2008.
Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80/km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (Engineering - Procurement - Construction: thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình bàn giao cho chủ đầu tư), Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát do bên tài trợ chỉ định. Ngoài ra, trong điều kiện hợp đồng tín dụng ưu đãi và hợp đồng EPC quy định các thiết bị và đoàn tàu do Tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện và phải mua sắm sản phẩm của Trung Quốc.
Theo Infonet