Vì sao phái đẹp xứ Kim Chi ngày càng lười kết hôn và sinh con?
Mới đây, một làn sóng giận dữ trong dân chúng lan rộng khắp thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khi chính quyền thành phố thực hiện chương trình truyền thông dành cho các bà mẹ trẻ về việc sinh nở, trong đó có cả lời khuyên về việc những thai phụ sắp sinh con cần phải biết cách làm hài lòng các đức ông chồng bằng những công việc bếp núc.
Chính những quan niệm mang nặng định kiến giới như thế này đã và đang khiến nhiều phụ nữ xứ sở Kim Chi chọn cách trì hoãn việc có con.
Quan niệm truyền thống và áp lực cuộc sống khiến phụ nữ Hàn Quốc ngày càng thờ ơ với việc lập gia đình và sinh con. Ảnh: Hindu Times |
Chỉ vài ngày sau đó, tài liệu truyền thông được phát hành bởi Trung tâm thông tin dành cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thành phố Seoul đã phải gỡ bỏ khỏi trang web nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của cư dân mạng. Tuy nhiên, hành động chữa cháy này không hề làm xóa nhòa sự bất công từ lâu nay đối với phụ nữ ở Hàn Quốc, một trong những nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới.
“Khi đến ngày phải đi viện để sinh con, chị em phụ nữ cần chắc chắn rằng, mình đã chuẩn bị đủ thực phẩm và áo quần cho chồng sử dụng hàng ngày trong suốt thời gian các bạn đang bận bịu với việc sinh nở”, trích một đoạn trong cẩm nang hướng dẫn nói trên.
Các chuyên gia xã hội học cho rằng, áp lực phải gìn giữ và thực hiện những vai trò giới truyền thống là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc trì hoãn hoặc né tránh việc kết hôn cũng như duy trì cuộc sống gia đình. Tình trạng này ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại khiến chính phủ Hàn Quốc đang "đau đầu" về vấn đề thiếu hụt dân số cũng như ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của đất nước.
Lo lắng này là có cơ sở khi mới đây, số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc chứng kiến sự sụt giảm đáng lo ngại với dân số được ghi nhận vào cuối tháng 12/2020 là 51.829.023 người, giảm 20.838 người so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, trong khi chỉ có 275.815 trẻ em được sinh ra trong năm 2020 thì số người chết lại cao hơn với 307.764 người.
Dữ liệu thống kê năm 2015 cho thấy, cứ 5 cặp vợ chồng kết hôn thì chỉ có một cặp vợ chồng chịu có con, và có tới 18% trong số 216.008 cặp vợ chồng không chịu sinh con trong khi tỷ lệ này chỉ là 12% vào năm 2012.
Tỷ suất sinh của phụ nữ Hàn Quốc giảm đáng kể trong những năm vừa qua. Ảnh: Choi Won-Suk/AFP/Getty Images |
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc chỉ đạt được rất ít thành công trong việc khuyến khích các cặp vợ chồng chịu sinh con đẻ cái. Theo chính sách hiện hành thì bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng đều được nhận khoản hỗ trợ một lần với số tiền 1 triệu won (khoảng 21 triệu đồng) và 6 triệu won (khoảng 127 triệu đồng) cho mỗi cặp vợ chồng, nếu họ chịu nghỉ làm trong khoảng thời gian 3 tháng để chăm sóc em bé mới sinh của mình.
Năm 2019, tỷ suất sinh của phụ nữ Hàn Quốc chỉ ở mức 0.92, thấp nhất trong khối các quốc gia thành viên khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế gồm 37 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới).
“Kể từ khi phụ nữ Hàn Quốc tự chủ hơn trong việc đi làm và kiếm tiền, thì họ càng trở nên ngại sinh con bởi áp lực phải vừa chu toàn sứ mệnh làm mẹ và sự nghiệp là quá lớn”, giáo sư Kim Seong-kon tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Cô Choi Mi-yeon, một phụ nữ 32 tuổi sinh sống tại thủ đô Seoul, đang phải đau đầu cân nhắc giữa việc đi làm và lập gia đình.
“Khi tôi dự các buổi phỏng vấn xin việc ở một loạt các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc, hầu hết các nhà tuyển dụng đều hỏi tôi về việc khi nào sẽ lấy chồng”, cô Choi kể. “Thậm chí một vài công ty còn trả lời thẳng thừng rằng, họ sẽ không tuyển tôi nếu tôi có ý định sinh con trong thời gian làm việc cho họ”.
Tình trạng bất bình đẵng giới và gánh nặng việc nhà khiến phụ nữ Hàn Quốc chọn cuộc sống độc thân. Ảnh: EPA |
Bên cạnh áp lực kinh tế phải cáng đáng nếu kết hôn và sinh con, nhiều phụ nữ Hàn Quốc còn ám ảnh với gánh nặng việc nhà mà họ đã chứng kiến qua hình ảnh người mẹ của họ.
“Tôi không thể quên được cảnh mẹ tôi làm việc quần quật không một phút nghỉ ngơi, trong khi bố tôi và những người đàn ông trong gia đình chỉ ngồi tán gẫu và ăn uống”, cô Choi nhớ lại.
Bình luận về lời khuyên của Hội đồng thành phố Seoul dành cho phụ nữ mang thai mới đây, cô Choi cho rằng, đó không phải là điều gì mới mẻ.
“Nhiều người Hàn Quốc, cả nam giới và phụ nữ, vẫn đang còn có suy nghĩ mang tính cổ hủ và ấu trĩ như vậy. Và có thể còn rất lâu nữa phụ nữ Hàn Quốc mới thật sự được cởi trói”.
Taxi bay ở xứ sở Kim chi Hàn Quốc bắt đầu đưa vào triển khai dịch vụ Air taxi vào năm 2025, kết nối với hệ thống giao thông đô thị và các nơi khác nhau trong thành phố. Đây là một nỗ lực của quốc gia này nhằm giảm thiểu sự tắc nghẽn xe cộ và ô nhiễm tại các đô thị lớn. |
Vi vu Hàn Quốc, thưởng thức kim chi và nhiều đặc sản vang danh thế giới Nhắc đến đặc sản Hàn Quốc chắc chắn không thể không nhắc đến các món như kim chi, bánh gạo cay, gà tần sâm, gimbap, bibimbap… Đây là những món ăn ngon, lạ mắt, lạ miệng đã nổi tiếng đến độ phủ sóng trên hầu như toàn thế giới. |
Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con, không nên kết hôn muộn Tại Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng đối tượng đến năm 2030”, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp: nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. |