Vì sao Nga tập trận chung với Trung Quốc trên biển Đông?
Một cuộc tập trung chung giữa Nga-Trung. Ảnh TL
Hội nghị thường niên Shangri-La diễn ra tại Singapore năm nay đang đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter công khai chỉ trích đích danh Trung Quốc với động thái mở rộng các đảo san hô trên biển Đông và sẽ đệ trình quốc hội Mỹ xem xét việc cung cấp một gói viện trợ quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á có liên quan.
Thì đến lượt Trung Quốc gây sốc bằng tuyên bố sẽ mở một cuộc tập trận chung với Nga trên khu vực đang tranh chấp ở biển Đông...
Nga cũng đã xác nhận tuyên bố này, báo hiệu cho một đợt dậy sóng mới ở châu Á Thái Bình Dương. Vậy, thực chất đằng sau việc Nga chấp nhận tập trận chung với Trung Quốc trên biển Đông là gì?
Trước hết, đây được xem là động thái đáp lễ của Nga dành cho Trung Quốc sau cuộc tập trận chung giữa hai nước trên biển Địa Trung Hải cách đây vài tuần. Dù cuộc tập trận chung trên biển Địa Trung Hải cũng ít nhiều đem lại lợi ích cho Trung Quốc nhưng không nghi ngờ gì về việc cuộc tập trận chung đó có lợi cho Nga hơn.
Vì thế, cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc trên biển Đông dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2016 sẽ là động thái đáp lễ, mà người được lợi nhất sẽ là Trung Quốc. Cả hai cuộc tập trận này, vì thế đều mang ý nghĩa hình thức nhiều hơn là ý nghĩa thực tế. Trung Quốc sẽ khó lòng đem tàu chiến đến hỗ trợ Nga nếu có biến động xảy ra ở Địa Trung Hải, cũng như Nga sẽ gần như không thể đem tàu chiến đến hỗ trợ Trung Quốc nếu có biến động xảy ra ở biển Đông. Điều này càng bất khả thi hơn khi mà
Nga và Trung Quốc không hề có mối quan hệ đồng minh nào.
Bản thân Nga cũng đang thể hiện một thái độ nước đôi và không nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trong sự kiện tập trận chung này. Vì Nga cũng đang bị vướng vào mối quan hệ lợi ích chồng chéo với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có liên quan. Nga hiện đang là nhà cung cấp khí tài quân sự hàng đầu đối với nhiều nước trong khu vực, và việc tập trận chung với
Trung Quốc ở khu vực nhạy cảm này có thể khiến mối quan hệ giữa Nga và các nước này rạn nứt.
Điều này có thể trở thành nguy cơ cho Nga khi các nước này có thể ngả về phía Mỹ trong việc mua bán khí tài quân sự. Và quan trọng hơn cả là Nga lại đang chú trọng nâng cao quan hệ kinh tế thương mại với các nước Đông Nam Á hơn bao giờ hết với hàng loạt các chuyến công du của thủ tướng Medvedev. Rạn nứt quan hệ với các nước Đông Nam Á lúc này có thể khiến công sức trong nhiều tháng qua của Nga đổ sông đổ biển.
Vì thế, Nga đang cố gắng chuyển tải một thông điệp ngầm với các nước Đông Nam Á, bằng cách xác định mục đích cuộc tập trận chung này một cách công khai. Đó là phản ứng với chính sách của Mỹ, chứ không phải hỗ trợ Trung Quốc. Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố công khai: “Chúng tôi lo ngại đối với chính sách của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là khi nó ngày càng hướng đến việc ngăn chặn Nga và Trung Quốc”.
Nói cách khác, mục tiêu lớn nhất mà Nga nhắm đến là Mỹ, với việc Mỹ đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc Nga cam kết không tham gia vào những tranh chấp về lãnh hải ở biển Đông có sự dính líu của Trung Quốc, và cuộc tập trận chung này cũng nằm trong cam kết đó.
Với Trung Quốc, cuộc tập trận chung với Nga ở biển Đông được xem là để đáp trả lại những cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh đã và sẽ diễn ra ở khu vực. Cách đây một tháng là cuộc tập trận chung Mỹ - Philippins - Australia, và sắp tới có thể là cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Australia - Nhật Bản. Tuy nhiên tính chất của các cuộc tập trận chung này giữa Mỹ và Trung Quốc là rất khác nhau.
Các cuộc tập trận chung của Mỹ và các đồng minh mang cả ý nghĩa hình thức lẫn thực tế, một sự xung đột của bất cứ đồng minh nào cũng có thể dẫn tới sự tham chiến của Mỹ, và kéo theo đó là các đồng minh còn lại. Trong khi đó cuộc tập trận của Trung Quốc chỉ mang ý nghĩa hình thức. Nga và Trung Quốc không có quan hệ đồng minh, thậm chí cả một hiệp ước hỗ trợ chung khi có chiến sự cũng không có. Nga hoàn toàn không có lý do để hỗ trợ Trung Quốc trong các cuộc xung đột của nước này. Nói cách khác, khi có biến xảy ra Trung Quốc sẽ phải đứng một mình, bất kể Nga và Trung Quốc có tiến hành bao nhiêu cuộc tập trận chung chăng nữa.
Nhàn Đàm - MTG (theo The Diplomat)