Vì sao cổ phiếu Apple và Microsoft chi phối thị trường chứng khoán Mỹ?
Chính vì vậy, thực tế trên đồng nghĩa với việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ sẽ buộc phải phụ thuộc vào số phận của cổ phiếu hai doanh nghiệp công nghệ lớn này. Tính toán của S&P Dow Jones Indices cho thấy rằng hơn 15 nghìn tỷ USD tài sản của nhiều bên, từ quỹ hưu trí cho đến quỹ tài chính hay công ty bảo hiểm, đều liên quan đến chỉ số S&P 500, nguyên nhân chính bởi cứ mỗi 1USD trong chỉ số thì có 10 cent là giá trị vốn hóa của Microsoft hay Apple.
Chính yếu tố này khiến cho ảnh hưởng của diễn biến cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ trở nên áp đảo so với các nhóm ngành khác, và bản thân ngành công nghệ cũng rất có ảnh hưởng cả trong nền kinh tế. Chỉ riêng cổ phiếu hai doanh nghiệp nói trên có thể làm thay đổi hướng điều chỉnh của toàn bộ thị trường và nhiều khi nó che giấu đi những rối loạn ngầm trên thị trường.
Giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ tháng 3/2023 có thể mang đến minh chứng rõ ràng cho điều này. Ngay cả sau khi hai ngân hàng khu vực đóng cửa tại Mỹ và một ngân hàng đầu tư lớn ở châu Âu bị buộc phải giải cứu gây sốc toàn hệ thống tài chính và tạo ra nỗi sợ rất lớn về kinh tế toàn cầu hiện vẫn đang trong trạng thái mong manh, chỉ số S&P 500 chốt lại tháng tăng điểm 3,5%.
Cổ phiếu Apple và Microsoft đóng góp khoảng nửa trong mức tăng trên, theo số liệu của S&P 500. Cổ phiếu của cả hai doanh nghiệp này dường như miễn nhiễm với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ngân hàng và được hỗ trợ bởi sự hân hoan của nhà đầu tư với sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Cổ phiếu Apple tăng 11,4% còn cổ phiếu Microsoft tăng đến 15,6%.
Ngay cả nhiều nhà đầu tư tài chính cũng vô cùng bất ngờ bởi hai cổ phiếu biến động khác hoàn toàn so với những gì họ dự báo trước đây, chuyên gia phân tích thị trường tại tổ chức môi giới StoneX – bà Fiona Cincotta khẳng định. Bà Cincotta nói: “Cổ phiếu của hai doanh nghiệp này có quá nhiều sức ảnh hưởng trong chỉ số S&P 500. Hai doanh nghiệp này gần như định hướng diễn biến chỉ số”.
Thực tế này vẫn diễn ra ngay cả trong lúc thị trường có quá nhiều rối ren. Ngày thứ Hai (ngày 13/3/2023), ngay sau khi chính phủ Mỹ thâu tóm ngân hàng Silicon Valley Bank và ngân hàng Signature, dấu hiệu hoảng sợ xuất hiện ở khắp nơi: cổ phiếu của một số ngân hàng khu vực có ngày giao dịch tệ chưa từng thấy, cổ phiếu ngân hàng First Republic hạ hơn 60% trong một điều kiện rối loạn đến nỗi mà cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đơn lẻ bị ngừng giao dịch bởi các nhà quản lý cố gắng hạn chế thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bên ngoài thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ diễn biến bất thường, giá dầu giảm sâu còn đồng USD suy yếu, tất cả những yếu tố này không khỏi khiến cho người ta lo lắng về triển vọng nền kinh tế.
Thật bất ngờ, chỉ số S&P 500 ngay trong chính ngày giao dịch đó chốt lại phiên vẫn tăng điểm, dù mức tăng chỉ là 0,1%. Không khó hiểu, “công lớn” ở đây chính là nhờ cổ phiếu Microsoft và Apple, mỗi cổ phiếu tăng rất mạnh giúp bù đắp cho việc cổ phiếu của toàn bộ nhóm ngân hàng khu vực giảm đến 15%.
Diễn biến của thị trường như vậy có nguyên nhân trực tiếp từ cách người ta cấu thành chỉ số S&P 500. Giá trị của S&P 500 được tính toán bởi tương quan giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa diễn biến cổ phiếu của những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất sẽ có sức ảnh hưởng mạnh nhất bởi chỉ những thay đổi rất nhỏ trong giá trị của họ có thể làm tiêu tan hàng tỷ USD tiền của cổ đông.
Trong chỉ số S&P 500 có khoảng 11 nhóm ngành nhưng riêng ngành công nghệ đã chiếm đến hơn 25% giá trị vốn hóa của chỉ số.
Giá trị vốn hóa của Apple ở mức khoảng 2,4 nghìn tỷ USD còn Microsoft ở mức khoảng 2,1 nghìn tỷ USD. Nếu gộp giá trị vốn hóa của cả hai doanh nghiệp này sẽ tạo ra nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn thứ ba trong chỉ số, lớn hơn của giá trị vốn hóa của toàn ngành công nghệ và tương đương giá trị vốn hóa của toàn bộ doanh nghiệp ngành tài chính.