Vì sao bộ trưởng lao động mới được đề cử dám đi ngược với quan điểm nhập cư của chính ông Donald Trump?
Mới đây, Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump đã đề cử CEO Andy Puzder của hãng đồ ăn nhanh Hardee’s and Carl’s Jr làm Bộ trưởng lao động của Mỹ và cũng tương tự như nhiều ứng cử viên khác cho các vị trí trong chính phủ, ông Puzder bị giới chuyên gia xem xét phân tích khá kỹ.
Vị bộ trưởng lao động Mỹ tương lai có quan điểm ủng hộ việc nâng mức lương tối thiểu cho người lao động và đây là một tin vui cho nhiều người dân Mỹ. Ông Puzder đã từng hoạt động rất lâu năm trong ngành dịch vụ đồ ăn nhanh, từ những vị trí thấp kém nhất cho đến người lãnh đạo cả công ty và giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các chính sách lao động của Mỹ sau này.
Sự đe dọa của công nghệ và máy móc
Theo ông Puzder, các công ty nên sử dụng máy móc, công nghệ nhiều hơn bởi chúng có nhiều ưu điểm hơn so với người lao động, như không biết mệt mỏi, trễ giờ hay những vấn đề rắc rối liên quan đến phân biệt giới tính, chủng tộc…
Thông tin này có lẽ là một điều đáng lo ngại đối với tầng lớp lao động cổ xanh và thu nhập thấp ở Mỹ khi nhiều việc làm có khả năng mất vào tay máy móc. Quan điểm trên của ông Puzder là điều dễ hiểu khi hệ thống nhà hàng đồ ăn nhanh mà ông từng quản lý đã thay toàn bộ hệ thống thanh toán bằng công nghệ kỹ thuật tự động. Thậm chí, ông Puzder còn có tầm nhìn xa hơn khi cho rằng rất nhiều việc làm sẽ biến mất trong tương lai vì công nghệ.
“Hãy tưởng tượng trong tương lai không xa, bạn dùng các ứng dụng như Amazon, Uber, Paypal… để bơm xe tự động hay quét thanh toán mua sắm”, ông Puzder nói.
Nội các của ông Trump thuộc hàng giàu nhất lịch sử Mỹ (tỷ USD)
Nâng lương tối thiểu
Khi chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua quyết định nâng lương tối thiểu từ 7,25 USD/giờ lên 10,1 USD/giờ, ông Puzder đã nói rằng động thái này mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là thiết thực cho người dân.
Cụ thể, vị bộ trưởng tương lai nhận định động thái trên chỉ nhằm bảo vệ sự ủng hộ cho một nhóm chính trị gia hơn là nghĩ đến lợi ích thực sự cho người lao động Mỹ. Ông Puzder cho răng dùng luật để ép công ty tăng lương tối thiểu cho người lao động là không hiệu quả và thay vì tạo ra được một mức lương chung hợp lý thì quyết định trên có thể khiến hàng triệu người gặp khó khăn hơn về thu nhập.
Vấn đề nhập cư
Có một điều vô cùng thú vị là quan điểm về người lao động nhập cư của ông Puzder trái ngược hoàn toàn với những lời chỉ trích mạnh mẽ của ông Trump trong cuộc tranh cử năm 2016.
Theo đó, ông Puzder ủng hộ việc hợp pháp hóa những người lao động nhập cư bất hợp pháp đã làm việc lâu năm tại Mỹ. Ông Puzder cho rằng đây sẽ là nguồn lực mới cho thị trường lao động và tiêu dùng, qua đó đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Sự sùng bái về ông Trump
Ông Puzder cho rằng chính sự thành công của ông Trump đã khiến nhiều người dân Mỹ bỏ phiếu cho ứng cử viên này. Mong muốn được giàu có và trở nên như ông Trump đã thôi thúc các cử tri ủng hộ ông.
Thêm vào đó, ông Puzder cũng hết lời ca ngợi sự hiểu biết, lắng nghe của ông chủ Nhà trắng mới khi được gặp ông Trump lần đầu vào tháng 11/2016.
Ngoài ra, ông Puzder cũng được cho là người có quan điểm bảo vệ giới doanh nhân Mỹ khi có những bài đăng phản đối các chính sách ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Quan điểm này của ông Puzder khá tương đồng với tỷ phú Trump khi cho rằng hiện Mỹ có quá nhiều quy định ràng buộc, khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Ông Puzder ám chỉ luật làm thêm giờ, chính sách bảo hiểm y tế, mức lương tối thiểu tại Mỹ đã khiến các doanh nhân nước này khó làm ăn.
Quyết định của ông Trump trong vấn đề bổ nhiệm nội các đang thu hút được sự chú ý của giới truyền thông khi hầu hết những người được bổ nhiệm không có kinh nghiệm chính trị và đều đã từng làm kinh doanh. Thêm vào đó, những người được ông Trump đề cử hầu hết có thu nhập khá cao, ước tính của Wall Street Journal cho thấy tổng trị giá tài sản của nội các ông Trump lớn hơn rất nhiều so với những nội các Mỹ từng có trong lịch sử.
Băng Tâm