Vi phạm bản quyền truyền hình khán giả Việt Nam nguy cơ bị cắt xem World Cup 2018
Vấn nạn xâm phạm bản quyền truyền hình World Cup 2018.
Vẫn “vô tư” vi phạm…
Trước khi World Cup 2018 khai cuộc, VTV đã cảnh báo: Tình trạng vi phạm bản quyền - đặc biệt trên nền tảng Internet và OTT qua smartphone - có thể khiến FIFA cắt sóng bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam. Tất nhiên là VTV có cơ sở để lo lắng cho việc này, bởi nhiều chương trình của nhà đài từ nhiều năm trở lại đây thường xuyên bị xâm phạm trên nền tảng YouTube, Facebook và các website thông tin.
Chính vì thế nên ngay cả người hâm mộ bình thường, cũng không khỏi phập phồng. Vì, tình trạng vi phạm xảy ra, hệ lụy VTV bị cắt sóng bản quyền World Cup 2018, thì người chịu thiệt thòi cuối cùng chính là người hâm mộ Việt Nam.
Vì muốn đem đến cho người hâm ngộ mùa World Cup trọn vẹn nên VTV không ngừng thông tin, cảnh báo, ngăn chặn, phát hiện và yêu cầu xử phạt nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên vi phạm. Bằng chứng là mới ba ngày đầu diễn ra World Cup 2018, theo thống kê sơ bộ, đã xảy ra hơn 700 vụ xâm phạm bản quyền phát sóng giải bóng đá này tại Việt Nam, trong đó có hơn 300 vụ đã được ngăn chặn. Trên thực tế, những vụ được phát hiện có thể chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong tổng số vụ vi phạm trên môi trường Internet nói chung và các ứng dụng trên smartphone nói riêng.
Vi phạm dưới mọi hình thức
Tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình bóng đá hiện nay diễn ra khá tinh vi và dưới nhiều hình thức, phương thức đòi hỏi nhà đài phải có một đội ngũ chuyên trách rà quét và soát xét liên tục mới có thể phát hiện được.
Các cách thức đối tượng vi phạm thường sử dụng là lấy lại sóng phát trên website để thu hút người dùng (users) hoặc gồm cả việc bản quyền xem bản chất lượng cao hơn đồng thời cũng thu thêm nhờ vào quảng cáo; chia sẻ lại các đường link trên Facebook hoặc phát lại trên YouTube; lấy lại hình ảnh và clip có độ dài hơn 90 giây/trận nhưng không ghi rõ nguồn…
Xem “chùa” và dùng “chùa” bản quyền truyền hình tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một căn bệnh "thâm căn cố đế" của nhiều đối tượng và người dùng. Ở đây không chỉ là ý thức mà còn thể hiện sự cố tình vi phạm để trục lợi, kinh doanh thương mại.
Việc ngăn chặn các hành vi vi phạm này luôn là một thách thức đầy phức tạp mà trên thực tế, một số nhà đài vì không ngăn chặn được đành để bị cắt bản quyền chiếu theo hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài.
Vấn nạn xâm phạm bản quyền truyền hình World Cup 2018.
Còn nhớ trong hai mùa giải 2015-2016 và 2016-2017 của cúp bóng đá Châu Âu gồm: Champions League và Europa League, VTVCab mua được bản quyền từ nước ngoài nhưng cứ đến vòng bán kết trở đi thì bị cắt sóng. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng xâm phạm bản quyền tràn lan tại Việt Nam khiến đối tác nước ngoài cắt sóng theo các quy định trong hợp đồng.
Hai mùa bóng liền nhau, người hâm mộ Việt Nam hụt hẫng vì tình thế đang xem giữa chừng thì bị cắt. Phải đến mùa bóng 2017-2018 khi K+ công bố mua được bản quyền phát sóng hai giải Champions League và Europa League trong ba mùa liên tiếp thì khán giả mới có cơ hội xem lại giải bóng đá vô địch Châu Âu một cách ổn định.
Nhiều "hiệp sĩ" giúp đỡ phát hiện, ngăn chặn vi phạm
Những năm trước, K+ cũng rất dè dặt và thận trọng trong việc hợp tác chia sẻ bản quyền với các đài truyền hình cáp mà chỉ chia sẻ với FPT hay VNPT phát trên nền tảng Internet. Lý do được K+ nêu ra là chỉ hợp tác chia sẻ bản quyền với các đài có tính khả thi về mặt kỹ thuật chống ăn cắp bản quyền. Trên thực tế vài năm qua, bản quyền của K+ khó bị lấy cắp hơn các nhà đài khác cũng vì các rào cản kỹ thuật chống lấy cắp sóng có tính bảo mật cao.
Đến mùa World Cup 2018 đã có những thay đổi đáng kể về nhận thức rằng, ăn cắp, xâm phạm bản quyền có khả năng gây ra thiệt thòi cho hàng chục triệu người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam nói chung. Chính vì thế không cần VTV nhờ vả nhưng đã có hàng chục người tình nguyện trở thành các “hiệp sĩ” tham gia bảo vệ bản quyền World Cup 2018.
Từ con số ban đầu chỉ có 11 người, đến nay nhóm “hiệp sĩ” bảo vệ bản quyền đã lên tới hơn 20 người. Các “hiệp sĩ” thường bắt tay vào cao điểm công việc khi các trận đấu diễn ra và VTV tiếp sóng. Họ sẽ ngồi trước thiết bị để quét link và khi phát hiện vi phạm của người dùng trên Facebook và YouTube thì sẽ báo cáo luôn cho hai mạng xã hội này để ngăn chặn. Đối với nhóm đối tượng vi phạm là các website ăn cắp sóng bản quyền World Cup 2018, các “hiệp sĩ” sẽ gửi đường link cho VTV biết để xử lý. Những “hiệp sĩ” tuy làm việc tình nguyện nhưng họ lại có những hiểu biết về mạng xã hội và kỹ năng, kỹ thuật trên internet vì thế mang đến sự hỗ trợ rất hữu ích cho VTV, giúp cho nhà đài này tiết giảm được bộ máy nhân sự cho công việc này.
1 trang web vi phạm bản quyền
Bên cạnh đó, trong mùa World Cup này trước nguy cơ bị mất bản quyền vì tình trạng vi phạm, nhiều người hâm mộ cũng có ý thức cùng chung tay với VTV bảo vệ bản quyền. Theo nhà đài này, trong 3 ngày đầu của giải đã có hơn 200 trường hợp báo cáo các vụ vi phạm đến Fanpage của VTV, một điều mà lâu nay còn ít xảy ra.
Nếu ví những đối tượng vi phạm bản quyền World Cup là những “con chuột” và bản quyền là “chiếc bình” thì để bảo vệ “chiếc bình” cần phải quyết liệt đập những “con chuột”. Đừng ngại “ném chuột sẽ vỡ “bình” mà ngược lại, quyết liệt đập “chuột” để bảo vệ bản quyền cho người xem World Cup 2018 tại Việt Nam.
V.N