Vị Giáo sư quyết bảo vệ những áng văn nước Việt
Cố Giáo sư Trần Văn Khê. (Ảnh: Thanh niên) |
Câu chuyện diễn ra tại buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964. Tham dự buổi sinh hoạt này chỉ có Giáo sư Trần Văn Khê là người Việt, còn lại hầu hết là người Nhật và Pháp.
Một cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp đã khởi đầu buổi nói chuyện như sau:
“Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được.”
Lời phát biểu đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê. Chính vì thế, khi buổi nói chuyện bước vào phần giao lưu, Giáo sư đã đứng dậy xin phép phát biểu:
“Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO. Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam 20 năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên.
Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam? Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời… Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934.
Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác”.
Đồng thời, Giáo sư cũng đưa ra hàng loạt ví dụ để phản bác lập luận của cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp. Nếu nói trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm thì những câu thơ của Việt Nam cũng sử dụng núi non, hoa lá để nói thay tâm sự của mình:
“Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời, không thấy người yêu”
Hay:
“Đêm qua mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”
Bàn về số lượng âm tiết, Giáo sư viện dẫn câu chuyện Mạc Đĩnh Chi làm bài điếu văn với 4 chữ “nhất” cho phi tử của vua Nguyên khi vừa từ trần:
“Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”
(Dịch nghĩa:
Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!)
Với 29 âm tiết đã đủ để Mạc Đĩnh Chi đã miêu tả vẻ đẹp cao quý của người mất chứ không cần đến 31 âm.
Đến đây, khán giả phía dưới vỗ tay nhiệt liệt, ông Thủy sư Đề đốc cũng đã hiểu ra: “Tôi chỉ biết ông là một nhà âm nhạc nhưng khi nghe ông dẫn giải, tôi biết mình đã sai khi vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của dân tộc Việt Nam, tôi xin thành thật xin lỗi ông và xin lỗi cả dân tộc Việt Nam.”
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thủy sư lại đến gặp riêng Giáo sư và ngỏ ý mời ông đến nhà dùng cơm để được nghe nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Như vậy, bằng sự am hiểu văn hóa truyền thống, luôn khắc ghi những giá trị cổ xưa, Giáo sư Trần Văn Khê đã bảo vệ những áng văn nước Việt, cứu vãn danh dự cho đất nước, gìn giữ tôn nghiêm của dân tộc.
Giáo sư Trần Văn Khê (1921 - 2015), nghệ danh là Hải Minh, là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. |
Ngoại giao "đường bay" sẽ giúp quan hệ Israel-Morocco "cất cánh bay xa" Việc mở các đường bay trực tiếp giữa Essaouira và Tel Aviv đã củng cố cam kết hợp tác song phương, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế giữa Israel và Morocco. |
"Vũ khí" ngoại giao gấu trúc độc đáo của Trung Quốc Gấu trúc là động vật quý hiếm quốc gia và biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Trung Quốc thường tặng hoặc cho các vườn thú nước ngoài mượn gấu trúc, qua đó gửi thông điệp hữu nghị tới các quốc gia đồng thời gây quỹ hoạt động vì lợi ích bảo tồn loài động vật này. |