Chuyện người thầy được học trò ngoại quốc lập miếu
Ngày 5/12, tại di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia nhà thờ Quận công Nguyễn Công Cơ ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 290 năm ngày mất của Tiến sĩ Quận công Nguyễn Công Cơ (1675 - 1733). Lễ kỷ niệm do Ban quản lý di tích phường Xuân Đỉnh, Ủy ban nhân dân phường và dòng họ Nguyễn Công phối hợp tổ chức.
Nguyễn Công Cơ tên hiệu là Cảo Hiên, tên húy là Tự Cẩm, tước Cảo quận công và Cơ quận công. Khi mất được ban tên thụy là Mẫn Trực phủ quân. Ông là người làng Minh Quả, tên nôm là làng Cáo.
Lăng mộ Quận công Nguyễn Công Cơ. (Ảnh: FB Công Hiền) |
Nguyễn Công Cơ là người hiếu học. Năm 13 tuổi, ông dự thi Hương khoa Đinh Mão niên hiệu Chính Hòa thứ 8 (1687) thi đỗ Tam trường. Năm 19 tuổi, ông dự thi Hương khoa Quý Dậu đỗ Hương cống. Năm 23 tuổi, mùa đông năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), ông dự khoa thi Hội, trúng Tứ trường. Vào thi Đình, ông được ban Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Sử sách ghi lại, Quận công Nguyễn Công Cơ là một người ngay thẳng và chính trực. Trong suốt sự nghiệp quan trường của mình, Nguyễn Công Cơ đã để lại thành quả: cải cách giáo dục; bỏ lệ cống ngà voi, người vàng với nhà Thanh (Trung Quốc); khám phá âm mưu lật đổ chúa Trịnh giữ được sự ổn định cho đất nước; góp phần thành lập “Võ học sở”, nơi đào tạo các võ cử nhân. Đối với quê hương, ông góp phần xây dựng tôn tạo, đình làng, chùa làng; xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho hàng trăm cánh đồng làng Xuân Tảo và vùng lân cận trở nên trù phú, dân gọi là “ngọc điền”.
Hội ngộ trên đất bạn
Mùa xuân năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), khi Nguyễn Công Cơ đang giữ chức Kinh diên chuyên việc giảng sách trong triều thì nhận mệnh đi sứ nhà Thanh.
Trong chuyến đi sứ này, Nguyễn Công Cơ giữ chức Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Thanh tuế cống. Ngày khởi hành, vua Lê Dụ Tông đã đích thân tiễn đưa đoàn sứ bộ và ngự ban cho Nguyễn Công Cơ một bài thơ Đường luật và hai bài thơ quốc âm (thơ Nôm) để động viên tinh thần của ông trước khi lên đường.
Theo ghi chép trong Sứ trình nhật lục, khi đoàn sứ bộ đặt chân đến địa giới tỉnh Quảng Đông, Nguyễn Công Cơ đã được hai người học trò họ Phùng. Hai anh em Phùng họ Phùng thuở nhỏ từng theo gia đình sống ở phường Hà Khẩu (Hà Nội), Việt Nam và theo học thầy Nguyễn Công Cơ. Ngày gặp lại thầy, hai người học trò đã giữ những cương vị quan trọng ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Khi dừng chân nghỉ phía trước có một ngôi miếu, đoàn định vào miếu thắp hương thì bị ngăn lại. Sau đó Nguyễn Công Cơ mới biết đây chính là ngôi miếu thờ mình. Ngôi miếu được anh em họ Phùng lập để tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ người thầy phương nam của mình. Ngày sinh của ông được lấy làm ngày cúng tế.
Trong thời gian Nguyễn Công Cơ đi sứ, hai người học trò chăm lo thù tiếp rồi hộ tống thầy suốt chặng đường lên Yên Kinh rồi quay về.
Là vị quan văn võ song toàn, Quận công Nguyễn Công Cơ từng nêu lên quan điểm quân sự trong bài “Võ học trung ký”: “Nước nhà nay tuy vô sự, nhưng chớ nên thấy thế làm mừng mà phải quan tâm đến việc quân, lúc nào cũng nên phòng bị, chớ nên coi khí giới tinh nhuệ là đủ, mà phải lo sao tìm đủ tướng tài, tránh chuyện hư danh, cố gắng tìm cầu lương tướng...”. Di cảo văn chương của Nguyễn Công Cơ hiện còn lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có 3 tác phẩm là: Hoàng Hoa thuật thực ký; Sứ trình nhật lục (chép trong Xuân Tảo thượng thư Nguyễn tiến sĩ gia phả) và Tương sơn hành quân thảo lục. Ngoài ra còn có một số bài thơ chép trong sách Toàn Việt thi lục. |