VESAMO tặng 10.000 USD hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại Quảng Nam
Đại diện Đoàn VESAMO (áo ghi) trao tặng quà lưu niệm cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh. (Ảnh: T.C)
Trong chuyến thăm lần này, các thành viên của VESAMO đã đến thăm, cùng tham gia quét sơn căn nhà mới (VESAMO hỗ trợ 2.000 USD) của chị Lê Thị Hồng Trang, là nạn nhân chất độc da cam ở khối phố 6, phường An Mỹ (TP. Tam Kỳ), thăm và tặng 3 xe lăn, 1.000 USD cho Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ khuyết tật tỉnh.
Ngoài ra, hội cũng đã trao tặng 35 suất quà, mỗi suất trị giá 200 USD cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 suất quà trao trực tiếp tại nhà của nạn nhân ở huyện Phú Ninh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh bày tỏ lòng cảm kích đến các thành viên của VESAMO về những hoạt động ý nghĩa mà Hội dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kỳ vọng, thời gian tới, VESAMO sẽ có thêm nhiều chương trình thiện nguyện hơn nữa để thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa Hội với Quảng Nam nói riêng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung trong thời gian đến.
Gắn biển căn nhà của chị Lê Thị Hồng Trang (khối phố 6, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) do VESAMO tài trợ 2.000 USD. (Ảnh: T.C)
VESAMO được thành lập năm 2002 tại Busan, Hàn Quốc. Hội viên của VESAMO chủ yếu bao gồm những người đang hoạt động trong các ngành nghề mang tính chuyến môn như: học giả, doanh nhân, luật sư, thuế quan… Ngoài ra còn có sự tham gia nhiệt tình của những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, mĩ thuật và nhiều tầng lớp khác trong xã hội.
Với tuyên bố “VESAMO là bạn của Việt Nam, sẽ luôn ở bên cạnh và tham gia tích cực vào việc hỗ trợ, giúp đỡ những người Việt Nam khi đến Hàn Quốc để họ có thể cảm nhận được nền văn hóa và tình cảm chân thành của người Hàn Quốc dành cho Việt Nam”, trong 15 năm qua, VESAMO đã luôn đồng hành, hỗ trợ các du học sinh, người lao động và các cô dâu Việt Nam. Bên cạnh đó, VESAMO cũng thường xuyên có những hoạt động từ thiện, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
Hội đã đảm đương tốt vai trò làm cầu nối, không ngừng thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các học giả, các doanh nghiệp hai nước.
An Nhi (t/h)