VESAMO, nơi hội ngộ những tấm lòng đẹp đẽ
VESAMO được thành lập vào năm 2002 tại thành phố Busan bởi một nhóm những Giáo sư trường Đại học Ngoại Ngữ Busan, Hàn Quốc.
Những thành viên của VESAMO thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Có những người là viện trưởng viện nghiên cứu, giảng viên đại học, có những nhà ngoại giao như nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, bác sĩ, doanh nhân. Họ được gắn kết bằng tình yêu thiết tha dành cho đất nước, con người Việt Nam.
Hội viên VESAMO trực tiếp sơn nhà Nhân ái. Ảnh Báo Công an Đà Nẵng.
Trong suốt 16 năm kể từ khi thành lập, những hoạt động nối nhịp cầu hữu nghị của VESAMO luôn được duy trì đều đặn, và ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Từ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho tới sinh viên nghèo, từ những cô dâu xa xứ cho tới những du học sinh bỡ ngỡ trên đất khách, VESAMO đã và đang vươn rộng vòng tay tới những người Việt Nam gặp khó khăn, đem đến những đổi thay tích cực cho rất nhiều cuộc đời.
Xóa mờ nỗi đau quá khứ
Tháng 5/2017, ở khối phố 6, P.An Mỹ, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi nhà được gắn biển “Nhà nhân ái, số 1”. Đó chính là căn nhà nhân ái đầu tiên do VESAMO xây dựng tại Việt Nam, được dành tặng cho một nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, chị Lê Thị Hồng Trang.
Là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, sức khỏe yếu, bị thương tật ở chân lại phải nuôi thêm một con nhỏ, chị Trang sống nhờ nhà cha mẹ ruột bằng nghề may, thu nhập hết sức bấp bênh. Được VESAMO hỗ trợ 2.000 USD, chị Trang mạnh dạn vay mượn thêm từ người thân, xây dựng căn nhà cấp 4 ở phần đất ngay sát căn nhà của cha mẹ ruột.
Không chỉ hỗ trợ về kinh phí xây dựng ngôi nhà, chính các thành viên VESAMO còn tận tình tự tay giúp chị Trang quét sơn, dọn dẹp khi phần thô của ngôi nhà được hoàn thiện.
Tháng 7/2018, VESAMO đã trao căn “nhà nhân ái” thứ hai cho một nạn nhân chất độc da cam tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Căn nhà được xây dựng với kinh phí 3.000 USD.
Bên cạnh đó, VESAMO đã tặng 30 phần quà giá trị 150 USD mỗi phần và 3 chiếc xe lăn cũng đã được trao tặng cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Dương.
Với mục tiêu hàn gắn quá khứ, bù đắp những lỗi lầm quân đội Hàn Quốc đã gây ra cho nhiều người dân vô tội khi tham chiến tại Việt Nam thập niên 60, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam đã trở thành một chương trình thường niên được VESAMO dành nhiều tâm huyết thực hiện.
Ông Chang Ho Ick, Chủ tịch Hội VESAMO trong lễ khánh thành căn nhà Nhân ái đầu tiên tháng 5/2017. Ảnh Báo Công an Đà Nẵng.
Những phần quà là công sức của những thành viên VESAMO. Họ đã tự vận động quyên góp kinh phí tài trợ, và trao tận tay tới người nhận.
Từ năm 2015 cho tới nay, VESAMO phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Hàn và chính quyền các địa phương triển khai hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam tại tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Dương, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 60.000 USD.
Viết tiếp ước mơ tương lai
Không chỉ quan tâm tới việc hàn gắn những nỗi đau quá khứ, VESAMO còn dành nhiều tâm huyết cho công cuộc phát triển của Việt Nam thông qua việc tạo điều kiện học tập, nghiên cứu cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Tháng 7 vừa qua, VESAMO đã trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập khá giỏi tại trường Đại học (ĐH) Bình Dương, với tổng giá trị 100 triệu đồng (10 triệu đồng/suất).
VESAMO trao học bổng cho sinh viên ĐH Bình Dương tháng 8/2018. Ảnh ĐH Bình Dương.
Là trường đối tác thân thiết của VESAMO, đây là lần thứ 6 ĐH Bình Dương được nhận những suất học bổng từ Hội, giúp tiếp sức cho các em sinh viên hoàn thành tốt chặng đường đại học, phấn đấu trở thành những công dân có năng lực và đạo đức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phát triển.
Cũng trong chuyến công tác tại Việt Nam vào tháng 7, VESAMO đã tới thăm tỉnh Thái Bình, và đề xuất trở thành cầu nối giới thiệu các nhà đầu tư Hàn Quốc tới địa phương, nghiên cứu triển khai chương trình hợp tác đào tạo, thực hành giữa trường Cao đẳng Khoa học và Kỹ thuật Dongwon với trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.
Vun đắp mái ấm Việt - Hàn
Không chỉ giúp đỡ người dân Việt Nam trong nước, VESAMO còn dành sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng người Việt xa xứ, đặc biệt là các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc
Năm 2010, một cuốn cẩm nang song ngữ giới thiệu về luật hôn nhân Việt Nam đã được chính thức ra mắt tại Hàn Quốc. Cuốn sách là công trình tâm huyết được thực hiện bởi Giáo sư Ahn Hee-wan, Giám đốc viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam và nguyên Tổng thư ký VESAMO, giáo sư Bae Yang-soo (Đại Học Quốc tế học Busan). Hai giáo sư đã dành tới hai năm để thu thập tài liệu, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hàn, và hiệu đính hoàn chỉnh cuốn sách.
Cuốn sách sau này đã được KMMA (tổ chức mai mối được cấp phép bởi chính phủ Hàn Quốc) sử dụng để giúp những gia đình có cô dâu Việt Nam tại Tegu và Busan có thêm sự hiểu biết về văn hóa, pháp luật Việt Nam, tạo nền tảng cho những cuộc hôn nhân bền vững, hòa thuận.
Bên cạnh việc biên soạn và phát hành cẩm nang, VESAMO còn tổ chức các buổi nói chuyện với những thanh niên Hàn Quốc có ý định lập gia đình với người Việt Nam. Những buổi chia sẻ đã góp phần giúp họ cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cho “chuyện trọng đại” của cuộc đời, cũng như chuẩn bị hành trang cần thiết về mặt văn hóa, tâm lý để họ có thể cảm thông, chia sẻ với bạn đời người Việt sau khi kết hôn.
Các cô dâu Việt múa nón trong một buổi sinh hoạt. Ảnh Anh Nguyên/Vietnam+.
Ngoài ra, VESAMO cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ các giảng viên dạy văn hóa, ngôn ngữ miễn phí cho các cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc, trong đó có Việt Nam. Những chương trình này đã và đang được triển khai ngày một rộng rãi tại Hàn Quốc, với mục tiêu xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, văn hóa, nguyên nhân chính gây ra những xung đột, mâu thuẫn trong hôn nhân với người nước ngoài.
Nhiều thành viên của VESAMO như: Giáo sư Bae Yang-soo còn tận tình tới độ sẵn sàng trực tiếp trợ giúp những gia đình Hàn – Việt gặp bất đồng về ngôn ngữ. Ông từng làm phiên dịch miễn phí cho một người đàn ông Hàn Quốc trong quá trình tìm hiểu vị hôn thê người Việt, và tiếp tục giúp đỡ họ những khi cần thiết sau khi cặp đôi đã kết hôn.
Giáo sư Bae cho biết, ông sẵn lòng đứng ra giới thiệu các tổ chức môi giới uy tín của Hàn Quốc để tránh tình trạng hôn nhân - mua bán, mà các cô dâu - chú rể trở thành nạn nhân của những kẻ môi giới bất hợp pháp.
Hiện tại, giáo sư Bae và những thành viên VESAMO vẫn tiếp tục trên con đường thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc thông qua việc vun đắp những mái ấm Việt – Hàn.
Theo thông tin chính thức từ VESAMO, tháng 11 tới đây, một chương trình chia sẻ thông tin giúp các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn ổn định cuộc sống sẽ được diễn ra tại thành phố Busan.
* VESAMO, những điều có thể bạn chưa biết Từ con số khiêm tốn 20 hội viên khi mới thành lập năm 2002, hiện tại VESAMO đã có hơn 100 hội viên, là các nhân sĩ, trí thức và doanh nhân Hàn Quốc có thiện cảm với Việt Nam. - Tháng 3/2018, nguyên Tổng Thư ký, thành viên sáng lập VESAMO, giáo sư Bae Yang-soo đã cho ra mắt cuốn sách “Xin chào Việt Nam, gồm 10 chương, cuốn sách lần lượt giới thiệu đất nước, con người Việt Nam cũng như quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc một cách toàn diện và cập nhật. - Bên cạnh hoạt động từ thiện, công tác xã hội, VESAMO cũng là một cầu nối tích cực trong việc xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc vào nhiều địa phương Việt Nam như Bình Dương, Hà Tĩnh. |
Phi Yến