Về nơi hội tụ linh thiêng của đất trời cùng sản vật mê đắm lòng du khách thập phương
Nằm dọc theo con đường thiên lý Bắc Nam, Hoàng Mai là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An, nhờ có dòng Mai Giang xanh trong uốn lượn đắp bồi phù sa mà tạo nên những làng mạc, phố xá trù phú, phong cảnh hữu tình nức tiếng khắp vùng.
Nếu nói Nghệ An là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam thì thị xã Hoàng Mai là hình ảnh thu nhỏ của tỉnh Nghệ An.
Là điểm giao thoa giữa hai đô thị lớn: Thanh Hóa và TP.Vinh, Hoàng Mai hội đủ ba vùng sinh thái biển - đồng bằng - rừng núi, lại nằm trên con đường huyết mạch của Tổ quốc, nên có thể nói, hiếm có địa phương nào mang trong mình nhiều dấu ấn đặc biệt, độc đáo đến như vậy.
Hoàng Mai là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng.
Với 75 tích, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được nghiên cứu, quản lý và xếp hạng (trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh), tiêu biểu như: Đền Cờn ở Quỳnh Phương gồm đền trong thờ Tứ Vị Thánh Nương và đền ngoài thờ Tống Hoài Tông – Tống Đế Bính được truyền tụng là linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. Đền Vưu xã Quỳnh Vinh thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đền Xuân Úc xã Quỳnh Liên thờ vị tướng Đặng Tế, đền Xuân Hòa xã Quỳnh Xuân thờ Cao Sơn Cao Các, đền Phùng Hưng xã Quỳnh Xuân thờ Phùng Hưng..
Như vậy, Hoàng Mai là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu xứ Nghệ.
Hiếm nơi nào có đặc thù tự nhiên núi liền biển, sông bao quanh phố như Hoàng Mai
Không những là một di tích có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng danh lam bậc nhất xứ Nghệ, Lễ hội Đền Cờn diễn ra vào ngày 19-21 tháng Giêng hằng năm cũng là một trong những lễ hội cổ xưa nhất, giàu bản sắc nhất, quy mô lớn nhất và có thời gian tổ chức dài nhất so với các lễ hội khác của Nghệ An. Trong số trên 80 giá trị văn hóa phi vật thể được khảo sát, quản lý, thì Lễ hội Đền Cờn đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2016.
Đền Cờn ở Quỳnh Phương là ngôi đền linh thiêng nhất trong bốn ngôi đền cổ của Nghệ An.
Theo các tư liệu lịch sử thì Đền Cờn được Nhà nước phong kiến ban sắc và bảo trợ tôn tạo, tế lễ bắt đầu từ thời Trần Anh Tông năm 1312, sau đó, được liệt vào hàng “quốc tế” (nghĩa là Nhà nước chịu trách nhiệm tế lễ hằng năm). Không chỉ lưu truyền dân gian suốt mấy trăm năm văn hiến, Lễ hội Đền Cờn còn được ghi chép bằng các văn bản, khắc trên bia đá như một quy ước bất di bất dịch buộc những người dân trong làng phải tuân thủ.
Lễ hội đền Cờn.
Trong lễ hội còn tổ chức đua thuyền.
Ngoài Xứ Nghệ đệ nhất tứ linh” - Đền Cờn ở Quỳnh Phương - cùng hàng trăm đền chùa miếu mạo cổ kính trầm tích văn hóa qua bao tháng năm đủ để viết nên một pho truyện du lịch mang màu sắc tâm linh truyền thống, Hoàng Mai còn có Hang Hỏa Tiễn - chứng tích về sự hi sinh của 33 chiến sĩ thanh niên xung phong ngành đường sắt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Như khúc tráng bi hữu hình về một thời đạn bom khói lửa ở một xứ sở vẫn được xem là phên dậu thành đồng của Tổ quốc, của một thời kỳ “Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng…”, đường chưa thông không tiếc máu xương… Hang Hỏa Tiễn đã góp phần làm dày thêm trang sử truyền thống cho Hoàng Mai và cho hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của thế hệ trẻ hôm nay, mỗi khi đặt chân tới xứ Nghệ, tới địa đầu nước biếc non xanh.
Hang Hỏa Tiễn - một trong những địa chỉ đỏ của thị xã Hoàng Mai.
Ngoài dấu ấn lịch sử còn in đậm trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phủ khắp thị xã, Hoàng Mai còn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh thắng đặc sắc, trong đó, hồ Vực Mấu ở xã Quỳnh Trang với trữ lượng nước trên 75 triệu m3 tổng diện tích 2.598 héc-ta và rừng Đông Hồi có diện tích hơn 1.000 héc-ta… là lựa chọn phù hợp để kiến tạo các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, khám phá, nhà dịch vụ đa năng, nhà vườn cà phê thư giãn ven sông, lầu ngắm cảnh, du thuyền, câu cá…
Du khách du thuyền trên Hồ Vực Mấu lãng mạn, thơ mộng.
Bên cạnh đó, một dải bờ biển đẹp kéo dài từ Quỳnh Lập cho đến giáp Quỳnh Liên là lợi thế lớn để phát triển du lịch biển chất lượng cao. Kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái với văn hóa tâm linh, Hoàng Mai đã và đang quy hoạch để tạo nên những tour du lịch đa sắc màu, kết nối các “đặc sản văn hóa” của riêng thị xã.
Các cảng cá Hoàng Mai cũng chính là nguồn cung ứng hải sản lớn cho toàn tỉnh Nghệ An và các địa phương lân cận.
Được truyền tụng là vùng đất hứa, nơi đến để “ăn, nguyện cầu và yêu”, không thể không nhắc tới lợi thế về ẩm thực của Hoàng Mai, khi được tự nhiên ban cho sản vật phong phú tươi ngon: tôm, cua, ghẹ, mực nháy, cá mú, cá thu, cá lụ, cá đục, ốc hương, ốc tù, canh lá Lằng… khiến du khách đến Hoàng Mai một lần đều muốn quay lại nhiều lần để được thưởng ngoạn quà tặng của biển, bên bờ cát trắng, dưới trời trong xanh…
Làng nước mắm nổi tiếng thơm ngon ở phường Quỳnh Dị.
Đã có sản vật phong phú, tươi ngon, con người lại cần cù, chịu khó, nên trải khắp thị xã là các làng nghề truyền thống, tận dụng ưu thế thiên nhiên ban tặng để tạo ra những sản phẩm ẩm thực khó có nơi nào sánh được. Rau mướt xanh; nước mắm tinh túy; hải sản tự nhiên – các làng nghề truyền thống như làng đóng thuyền Quỳnh Lập, chế biến hải sản Quỳnh Phương, nước mắm cá cơm Quỳnh Dị, rau sạch Quỳnh Liên... cũng là các địa chỉ khám phá, tham quan, thực nghiệm, cuốn hút du khách trẻ ngoài Bắc vào, trong Nam ra.
Không chỉ khai thác tốt tiềm năng sẵn có, Hoàng Mai còn hướng tới tầm nhìn phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc thù như du lịch lặn biển, câu mực, câu cá trên biển, trên hồ, trên sông. Nghị quyết của cấp ủy, cùng Đề án phát triển du lịch đến năm 2020 và những năm tiếp theo là đòn bẩy, là cơ hội để các doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội đầu tư vào thị xã một cách hiệu quả và bền vững.
Cánh đồng rau sạch ở Quỳnh Liên.
Tính đến nay trên địa bàn thị xã đã có 19 cơ sở lưu trú du lịch, với 336 phòng, trong đó có 2 khách sạn 2 sao và 1 tổ hợp khách sạn 4 sao; 4 siêu thị mini, 20 ki-ốt và nhà hàng khu vực du lịch biển.
Vừa qua, thị xã cùng Liên hiệp HTX phát triển và quản lý chợ Việt Nam khởi công Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Hoàng Mai tại phường Quỳnh Thiện, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.
Hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách khi du lịch hay công tác tại Hoàng Mai.
Với ưu thế độc đáo về tự nhiên và con người, lịch sử và văn hóa, Hoàng Mai đã xác định một trong những trọng điểm phát triển kinh tế là du lịch, trong đó, lấy du lịch tâm linh làm điểm nhấn.
Từ Lễ hội Đền Cờn vào mùa Xuân tới tour du lịch tâm linh - di sản xuyên suốt và đỉnh cao là du lịch biển vào mùa Hè, quy hoạch du lịch từ nay đến năm 2030 mà thị xã xây dựng và quyết tâm thực hiện, cùng các chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẽ là nền tảng để ngành công nghiệp không khói của thị xã tăng trưởng vượt bậc, giúp Hoàng Mai sớm trở thành đô thị phát triển du lịch, trọng điểm kinh tế văn hóa nơi địa đầu xứ Nghệ, đúng với mục tiêu và tiềm lực sẵn có.
Bài: Phòng VH - TT Thị xã Hoàng Mai cung cấp
Ảnh: Hoàng Sơn Hiếu, La Thủy Giang, Hồ Long, Mạnh Hùng