Về đất thành Nam ghé thăm làng nghề ươm tơ Cổ Chất
Đã từ lâu, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất (xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã đi vào câu ca bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam. Từ TP. Nam Định theo quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20km về phía đông nam du khách sẽ đến được với làng Cổ Chất.
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ"…
Đây là làng nghề truyền thống có từ khá lâu của Nam Định. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.
Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Sau này, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ dệt lụa trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay.
Dạo quanh làng Cổ Chất, ta sẽ cảm thấy tâm hồn mình nhẹ bẫng bởi cảnh thanh bình của sông nước, của chùa chiền, của nhà thờ, bởi những ngôi nhà cổ... Trong những xưởng kéo tơ, người thợ miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm trưởng thành trong khoảng thời gian từ 20 – 25 ngày sẽ được đem đi kéo sợi.
Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.
Trong quá trình ươm tơ, người thợ đun kén trong nước sôi 100°C cho keo tơ tan ra để dễ dàng rút thành từng sợi. Công đoạn se tơ, có nhiều cách xử lý cho ra các sợi tơ với tên gọi khác nhau là sợi mốt, sợi đũi, sợi mành. Kén tằm mua về sẽ được chọn, phân loại 1 và loại 2 sau đó làm tơi kén để ươm nếu không sợi sẽ bị đứt. Sợi tơ được quấn thành từng bó, phơi dưới nắng, sau khi khô sẽ được các lái buôn khắp nơi đến lấy.
Sản phẩm tơ làng Cổ Chất vốn nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngày nay làng nghề đã bị mai một đi nhiều, chỉ còn một số ít hộ còn giữ được quy trình chế biến thủ công.
Có dịp đến làng nghề Cổ Chất du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những người thợ thủ công đang ươm tơ, kéo kén dệt lụa trên những khung cửi gỗ thô sơ. Ngoài ra du khách còn có dịp được thả hồn cùng cuộc sống thanh bình nơi đây bởi những ngôi nhà cổ, những nhà thờ cùng sinh hoạt của người dân.
Thu Trang (t/h)