Vận mệnh dân tộc do ai quyết định?
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Nhiều người dân, đại biểu kỳ vọng, Việt Nam sẽ có bước chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Liên quan đến vấn đề này, hôm 28/1, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
Trên cương vị một người dân, ông ấn tượng gì về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa bế mạc?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là nhiều gương mặt trẻ, đầy hứa hẹn có mặt trong danh sách Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị...
Trước đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bầu vào Bộ Chính trị đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì tuổi ông còn khá trẻ. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tuổi cán bộ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị... dần được trẻ hóa hơn, với số lượng nhiều hơn trước. Sự "trẻ" ở không phải là "trẻ người, non dạ" mà là sức trẻ, sự lăn lộn, trải nghiệm, cống hiến trong thực tiễn.
Trong danh sách Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, có nhiều người từng trải qua nhiều cương vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân, cử tri, đại biểu tín nhiệm. Thành phần Đại biểu được bầu vào Bộ Chính trị cũng được mở rộng hơn.
Do đó, ở Đại hội lần này, tôi cảm nhận được sức trẻ, sự năng động từ các Đại biểu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, kể cả những chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Đây cũng là Đại hội nhận được sự “quan tâm đặc biệt” của cử tri, báo chí trong và ngoài nước. Thậm chí trong thời gian diễn ra Đại hội, các trang mạng xã hội không ngừng cập nhật thông tin về công tác chuẩn bị, nhân sự Đại hội để người dân nắm rõ tình hình.
Sự quan tâm của cử tri ở đây có thể phân chia thành hai loại. Một loại, người ta quan tâm vì đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Họ quan tâm tới từng “bước đi” của đại biểu và quá trình diễn tiến của Đại hội nhằm mở rộng nhãn quan về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Một bộ phận khác thì quan tâm về sư thay đổi sau Đại hội, gắn liền với "miếng cơm, manh áo" hằng ngày. Hay nói cách khác việc nhân sự có sự thay đổi, kinh tế đất nước có phát triển hơn không? Việc tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ của Đảng sẽ được thể hiện như thế nào trong thời gian tới?
Tóm lại, cử tri kỳ vọng ở sự sáng suốt của các Đại biểu trong việc lựa chọn người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong việc đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp tính tất yếu của lịch sử.
Cũng tại Đại hội lần này, người ta được chứng kiến nhiều tham luận mang tính gan, ruột của nhiều "Tư lệnh" ngành. Trong đó, tôi đánh giá cao bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Vị Bộ trưởng đã nêu được những vấn đề cấp thiết trong tiến trình phát triển của đất nước đó là, "đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách”.
Đây chính là xu thế phát triển của thời đại. Ngược lại, nếu những hạn chế vẫn tiếp tục bị "che đậy", sẽ đe dọa sự tồn vong của Đảng.
Theo ông, sau Đại hội Đảng XII, những vấn đề nào cần quan tâm, ưu tiên giải quyết?
Hai vấn đề cấp bách cần được quan tâm đặc biệt là diệt “giặc nội xâm” tham nhũng; Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về vấn đề tham nhũng: Tham nhũng hiện nay không chỉ đơn thuần là tham nhũng về mặt kinh tế, hoặc tham nhũng vặt. Tham nhũng đã biểu hiện dưới dạng thức cao hơn, hay còn gọi là “tham nhũng chính trị”. Loại tham nhũng này len lỏi vào hệ thống chính sách ở tầm vĩ mô, đục khoét ngân sách, trục lợi cho cá nhân, hoặc phục vụ nhóm lợi ích.
Đối tượng tham nhũng có thể có cán bộ, lãnh đạo cấp cao. Nguy hiểm hơn, loại tham nhũng này đã trở thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, trước mắt, cần giải tập trung vào việc xử lý “quốc nạn” này.
Về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, tôi và chắc hẳn không ít người dân Việt Nam sẽ "ăn không ngon, ngủ không yên" nếu liên tục nghe thông tin ngư dân Việt Nam bị tàu lạ đâm, húc gây thiệt hại về người và tài sản.
Có khi là cả sự bức xúc khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại Biển Đông, bằng việc chiếm đóng trái phép nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Hiện tại, vùng biển này đã trở thành một “bàn cờ thế” do Trung Quốc tự ý sắp đặt. Do đó, chúng ta cần chủ động, giữ được những gì chúng ta đang có, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh pháp lý, để cộng đồng quốc tế thấy hành vi vi phạm, ngang ngược của Trung Quốc...
Ông có nhắn nhủ gì đối với lãnh đạo Trung ương vừa được bầu, giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước?
Để giải quyết được những vấn đề cấp bách được cho là ảnh hưởng tới vận mệnh dân tộc, quan trọng nhất vẫn là khoan sức dân. Vận mệnh của dân tộc này không phụ thuộc vào một cá nhân nào, mà chỉ được quyết định bởi lòng dân (sự đồng thuận của nhân dân) sức dân.
Lịch sử đã chứng minh, nhân dân Việt Nam chưa hề chịu lùi bước trước bất cứ một thế lực thù địch nào. Khi chúng ta bị dồn vào thế chân tường, sức mạnh đoàn kết toàn dân đã trỗi dậy một cách hết sức khủng khiếp.
Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã chứng minh nhận định trên là chính xác. Những người lãnh đạo khi ý thức được lòng dân, sức dân, sẽ giữ được vận mệnh dân tộc, đưa đất nước tiến tới sự hưng thịnh và ngược lại...
Quốc Toản/Giáo dục Việt Nam