Vấn đề Biển Đông: Chuyên gia quốc tế khẳng định Trung Quốc đang 'dàn đội hình' tại Đá Ba Đầu
Tàu của Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu. (Nguồn: MAXAR) |
Sự xuất hiện của hơn 200 tàu của Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu, tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm ở Biển Đông.
Việt Nam, Mỹ, Philippines và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành vi gây hấn.
Chiến thuật song song của Trung Quốc
Ảnh chụp vệ tinh do Công ty công nghệ Maxar Technologies (Mỹ) cung cấp cho thấy, các tàu của Trung Quốc đang “dàn đội hình” tại Đá Ba Đầu (còn gọi là bãi san hô nông Whitsun). Các thuyền neo đậu sát nhau, theo nhiều tầng nhiều lớp, có hàng gần 10 tàu, có hàng gần 40 tàu.
Ngày 7/3, lực lượng hải cảnh Philippines cho biết, có khoảng 220 tàu của Trung Quốc được phát hiện tại khu vực này.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng và bồi lấp trái phép ở Biển Đông, nhằm thực hiện tham vọng mở rộng lãnh thổ.
Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng, Trung Quốc đang có âm mưu “thôn tính và chiếm giữ” Đá Ba Đầu, song song với việc đe dọa các nước khác trong khu vực.
Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines cho biết: “Không quân Philippines đã thực hiện chuyến bay trinh sát và nhận thấy rằng, các con tàu của Trung Quốc đã neo đậu tại đây trong nhiều tuần. Hình ảnh vệ tinh cho thấy boong của các tàu này rất sạch sẽ, như thể chúng là tàu mới”.
Trong khi đó, Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận xét, các hành vi của Trung Quốc rất đáng ngờ, các con tàu được buộc sát cạnh nhau “nhằm phục vụ cho mục đích quân sự” chứ không phải để “đánh bắt cá”.
Ông Poling nêu rõ: “Bạn không thể kéo lưới khi tàu đứng yên. Nếu đây là các ngư dân đánh cá, chắc chắn họ sẽ trở về tay trắng”.
Âm mưu biến Đá Ba Đầu thành đảo nhân tạo?
Chuyên gia Jay Batongbacal nhận định: “Mối lo ngại lớn là Trung Quốc có thể đang chuẩn bị chiếm đóng khu vực này để xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác, như những gì chúng ta đã từng chứng kiến trước đây”.
Theo ông Jay Batongbacal, việc Trung Quốc cho tàu thuyền neo đậu tại Đá Ba Đầu tương tự như chiến thuật mà nước này đã áp dụng với Đá Vành Khăn vào những năm 1990.
Đá Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng, cảng neo đậu và triển khai radar tại đây.
Tuy vậy, chuyên gia Gregory B.Poling cho rằng, Trung Quốc nhiều khả năng không có ý định bồi lấp Đá Ba Đầu trở thành một hòn đảo nhân tạo.
“Mục đích của Trung Quốc là kiểm soát vùng nước, đáy biển và không phận. Nước này không thực sự cần đến tiền đồn thứ 8 để làm điều đó. Điều Bắc Kinh cần là chiếm ưu thế áp đảo về số lượng tàu thuyền trong khu vực”, chuyên gia về biển Gregory nhấn mạnh.
Vào năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài và sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tăng cường triển khai các tàu của dân quân biển nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp. Hầu hết đều núp dưới lớp vỏ là tàu đánh cá, nhưng chúng lại không thực sự được sử dụng cho công việc này.
Ông Gregory B.Poling nhấn mạnh: “Đây là lực lượng hỗ trợ cho cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc, có nhiệm vụ theo dõi, giám sát, tiếp vận. Nhưng nguy hiểm nhất là khi chúng được sử dụng như một phương tiện để cưỡng ép và đe dọa các tàu thuyền nước ngoài”.
Các hành vi đe dọa và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã cản trở hoạt động thăm dò dầu khí và gây nguy hiểm cho ngư dân của các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Những hành vi này được coi là “mối đe dọa tiềm ẩn”, làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm.
Chuyên gia này nhận xét rằng, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không cho tàu thuyền ra khỏi Đá Ba Đầu. “Một khi Trung Quốc tiến vào, họ sẽ không rời đi. Bắc Kinh có thể giảm căng thẳng vì lợi ích chính trị trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ không bỏ qua âm mưu thôn tính khu vực này”.
Nhật Bản, Australia, Anh và Canada đã bày tỏ sự quan ngại, cho rằng Trung Quốc đang đe dọa an ninh khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/3 đã lên án hành vi của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Đá Ba Đầu là rạn san hô lớn nhất ở cụm Sinh Tồn và nằm ở cực Đông Bắc của cụm. Dù có diện tích khá nhỏ, khoảng 10km² nhưng nơi đây được coi là một cơ sở lý tưởng để xây đường băng sân bay, hoặc căn cứ để giám sát và theo dõi các hoạt động hàng hải. |
Bình Dương truy tìm người liên quan đến bệnh nhân COVID-19 người Trung Quốc Tỉnh Bình Dương đã phát đi thông tin chiều 29/3 tìm những người đến 02 địa điểm liên quan đến BN2585 người Trung Quốc. |
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể bất ngờ thực hiện ý định thống nhất đảo Đài Loan Theo cập nhật của Financial Times, kết luận trên được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra sau khi đánh giá hành vi của Trung Quốc suốt 2 tháng qua. |
H&M bị xóa khỏi Apple Maps do Trung Quốc tẩy chay Điều này xảy ra trong bối cảnh người dân Trung Quốc kịch liệt phản đối quyết định ngưng nhập hàng từ Tân Cương của H&M và một số công ty phương Tây. |