Vạn chài Mỹ Á: "làng chài hiệp sỹ"
Kỳ lạ tục kiêng kỵ đi biển đầy thú vị của ngư dân Đà Nẵng |
Êm đềm cuộc sống nơi làng chài Bảo Ninh |
Vượng khí làng chài dưới chân đèo hoang |
Cửa biển Mỹ Á nằm ở phía nam của tỉnh Quảng Ngãi. Cách đây hơn 200 năm, triều đình nhà Nguyễn đưa Mỹ Á vào hệ thống phòng thủ bờ biển và gọi là Tấn Mỹ Ý.
Trong cuốn “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 – 1885” của tác giả Lê Tiến Công, “đoàn kết thời đó đã trở thành lệ làng”.
“Thuyền bầu xuất bến tháng 10 nương theo gió bấc, chở 500 tấn hàng nông sản vào nam để đổi lúa gạo. Trai tráng của làng đều phải có mặt, bố trí dây kéo, để đưa thuyền buồm vượt ra khỏi cửa biển hiểm trở”.
Sau này tên Mỹ Ý đổi thành Mỹ Á nhưng có một truyền thống mà người dân địa phương vẫn gìn giữ nguyên vẹn, đó là đoàn kết khi con thuyền vượt sóng ra khơi.
Tàu thuyền của ngư dân Mỹ Á trước giờ xuất bến ra khơi. (Ảnh: Văn Tánh/ Báo Biên Phòng) |
Ngư dân Mỹ Á đánh cá chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Muốn biết được luồng cá ở khu vực cách tàu vài trăm mét, ngư dân sử dụng máy dò quét sóng ngang. Một chiếc máy dò có giá khoảng 300-400 triệu đồng và tầm nhìn xuyên thấu của thiết bị thông minh này chỉ giới hạn vài trăm mét. Muốn dò tàu cá ở vị trí xa hơn tầm với của máy quét, ngư dân cần phải chia thành nhiều tổ, nhóm để thăm dò, cung cấp thông tin đan xen.
Thu nhập của ngư dân ở các cửa biển lớn trong tỉnh Quảng Ngãi xấp xỉ 100 triệu đồng/ năm. Mỹ Á chỉ là một cửa biển nhỏ nhưng nhờ cách liên kết vươn khơi, nhiều ngư dân đi bạn có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm, có thuyền cá mang về cho bạn chài 200 triệu đồng/ năm.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ngư dân ở một cửa biển nhỏ bé lại có thu nhập tốt như vậy. Câu trả lời là tinh thần đoàn kết, vốn là truyền thống của vạn chài Mỹ Á từ hàng trăm năm nay.
Năm 2012, Nghiệp đoàn nghề cá, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ra đời. Truyền thống đoàn kết trăm năm được hòa quyện vào một tổ chức. Trước đó các ngư dân được tổ chức đoàn kết bằng mô hình tổ tàu thuyền tự quản do bộ đội Biên Phòng phối hợp thực hiện. 3 năm sau khi nghiệp đoàn nghề cá ra đời, cửa biển Mỹ Á được Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép. Đây là tàu đánh cá hiện đại thứ 3 trong cả nước vào thời điểm đó. Những đêm ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, con tàu vững chãi không chỉ giúp ngư dân an toàn khi trên biển có giông tố mà nó còn trở thành điểm tựa của nhiều tàu vỏ gỗ lui về gần nương tựa nếu trên biển xuất hiện áp thấp nhiệt đới.
Mỗi một con tàu ra khơi là hàng trăm người dân vạn chài dõi theo nghe ngóng tin tức. Nếu tàu cá, ngư dân gặp nạn, tin dữ ngay lập tức được chuyển về đài canh ở cửa biển. Có quá nhiều vụ việc ngư dân Mỹ Á tổ chức cứu giúp nhau ở vùng biển xa bờ. Vụ việc đáng chú ý nhất là tàu Qng 98495 TS bị một tàu vận tải đâm gây hư hỏng nặng vào tối ngày 1/1/2016. Ngay sau khi tin dữ lan trên máy Icom, nhiều chiếc tàu hướng mũi về tọa độ có tiếng kêu cứu. Nhiều tàu cá cắt bỏ cả lưới để lao đi cứu người. Nhờ tinh thần đoàn kết và tấm lòng tương trợ, 10 ngư dân trên chiếc tàu gặp nạn bình an trở về với làng chài, với gia đình.
Lực lượng chức năng cùng ngư dân cứu nạn tàu cá bị sóng xô vào đá ở cửa biển Mỹ Á. (Ảnh: Dân trí) |
Hơn 200 năm trước, nhiều chiếc thuyền bầu phải đối mặt với rủi ro khi rời cửa biển Mỹ Ý, nương theo gió bấc vào nam. Thỉnh thoảng có thuyền chìm đắm tại cửa biển. Giờ đây những chiếc tàu gắn máy công suất lớn đôi khi cũng gặp rủi ro, buộc phải đầu hàng trước sức mạnh của thiên nhiên.
Năm nào cũng có tàu cá bị mắc cạn ở cửa biển Mỹ Á. Cả làng lại tập trung ra biển ứng cứu. Theo nhiều người trong làng, mỗi tàu cá sẽ góp số tiền từ 500 nghìn đồng để hỗ trợ tàu bị nạn. Sẽ có một người đứng ra kêu gọi quyên góp, và cuốn sổ ghi chép nhanh chóng được lấp đầy bởi số tiền cùng những tấm lòng hào hiệp.
Trong 5 năm qua, mỗi tàu cá bị nạn đều được làng chài chung tay quyên góp hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng/ tàu. Nghiệp đoàn nghề cá địa phương còn hỗ trợ cho ngư dân bị ốm hoặc tai nạn 2 triệu đồng, cha mẹ ngư dân đánh bắt xa bờ bị ốm là 500 nghìn đồng.
Cũng vì truyền thống đoàn kết được gìn giữ, duy trì từ đời này sang đời khác, mà làng chài Mỹ Á còn được biết tới với cái tên “làng chài nghĩa tình” hay "làng chài hiệp sỹ". Tinh thần đoàn kết, tấm lòng yêu thương lẫn nhau mộc mạc, giản dị có lẽ là thứ năng lượng vô hình, giúp ngư dân Mỹ Á vững tâm bám biển, kiên định vươn khơi, để trở về với khoang tàu đầy cá, làm giàu cho chính mình, cho làng chài và xa hơn là cho đất nước.