Êm đềm cuộc sống nơi làng chài Bảo Ninh
Làng biển Bảo Ninh nhấp nhô trên đầu sóng |
Nằm ở phía đông thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), làng chài Bảo Ninh được nối liền thành phố bằng cây cầu Nhật Lệ, tiếp giáp với bãi biển Nhật Lệ thơ mộng. Không đông đúc như nhiều bãi biển khác, làng chài Bảo Ninh (Quảng Bình) lặng lẽ với làn nước trong xanh, bãi cát mịn vàng óng ả, đồi phi lao cao vút vi vu gió, những ghềnh đá nhấp nhô.
Mấy trăm năm qua, người dân ở làng biển này vẫn cần mẫn ra biển mưu sinh |
Vốn là một làng chài mang đậm đặc trưng của người vùng biển miền Trung, thế nên cuộc sống của người dân ở Bảo Ninh cũng vì thế mà xem đại dương là ngôi nhà thứ hai của mình. Ngoài chăn nuôi và trồng trọt thì phần lớn thời gian, người làng chài nơi đây sống cùng những chiếc tàu thuyền, lênh đênh trên mặt biển rộng, thả lưới giăng câu, kéo chài.
Sau sự cố môi trường biển, dù đời sống người dân bị ảnh hưởng như bây giờ đã quay lại như trước |
Mấy trăm năm qua, làng chài Bảo Ninh vẫn là nơi hàng trăm ngư dân mưu sinh. Cả cuộc đời của họ gắn liền với biển và ngay cả lúc quay về nhà, họ vẫn nghe tiếng sóng biển rì rào bên tai.
Chị Lựu, một người đan lưới vẫn từng mơ về những chuyến biển đầy ắp cá tôm |
Trong làng, những ngôi nhà nhỏ của ngư dân nằm san sát nhau, được chở che dưới những tán dừa khẳng khiu cùng gió biển. Nhiều con hẻm sâu hun hút còn lưu vết những mảng đường bê tông nham nhở đã được phủ đầy cát trắng. Những lối nhỏ dẫn vào nhà ngư dân tại đây bình yên đến lạ.
Bên bờ biển, chỗ này, chỗ kia là từng tốp ngư dân làng chài đang tất bật mang theo lưới, lên thuyền vươn khơi để kiếm sống. Họ gắn liền với biển từ thuở nhỏ cho đến khi già nua, có người còn bảo cứ đi xa một ngày, nỗi nhớ vị biển đến quằn quại, không chịu nổi. Dẫu thiên tai cứ dồn dập tấn công làng chài mỗi năm, thì hàng trăm thuyền thúng của ngư dân vẫn “chung thủy” bám bờ, cùng ngư dân Bảo Ninh vươn khơi...
Những đứa trẻ của làng chài, không biết mai này chúng có theo nghề cha ông hay không? |
Chiều bên bờ biển, vợ chồng anh Huỳnh Văn Cách (47 tuổi) vừa đan lưới vừa trò chuyện. Anh Cách bảo vài năm trước, sự cố môi trường biển miền Trung cũng đã ảnh hưởng nặng đến làng biển này. Cả một thời gian vài tháng ngư dân ở đây lao đao vì không thể ra khơi, mà có ra khơi đánh bắt cá cũng chẳng thể bán được cho ai vì mọi người đều sợ. Hàng loạt hàng quán phục vụ cho du lịch gần làng chài này cũng đóng cửa, nhiều người phải chuyển đi nơi khác sinh sống.
Thế rồi, nhờ sự quan tâm của nhà nước, sự cố môi trường biển này được xử lý, người dân được đền bù, nghề biển trở lại với làng chài có tuổi đời mấy trăm năm này. Bây giờ nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, người dân tiếp tục ra khơi, từng bước chuyển các nghề khai thác gần bờ sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu khai thác trên biển đã tăng trở lại. Thêm vào đó, khách du lịch cũng trở lại với bãi biển và làng chài này. Đời sống người dân cũng vì thế mà được nâng lên.
Cũng giống như bao vùng biển khác ở miền Trung, nước biển ở Bảo Ninh rất trong, có thể nhìn thấu tận đáy, tự mình làm chiếc gương lớn thật lớn để cùng bầu trời hòa làm một thành dải dài bất tận. Dải cát chạy dài cong hình bán nguyệt trắng tinh, tựa tấm thảm lụa của nàng tiên nữ năm xưa vô tình làm rớt vì phải lòng vùng biển đẹp.
Sát bờ, nơi giáp ranh của nước và cát, những chiếc thuyền thúng “an nhàn” nghỉ ngơi trong lúc “đợi bạn đồng hành” cùng vui vầy cùng biển. Tất cả rất bình dị và gần gũi, có lẽ cũng chính vì thế mà làng chài Bảo Ninh mang vẻ đẹp rất tự nhiên, bình dị đến lạ thường.