Vai trò của chính quyền xã trong xây dựng nông thôn mới hiện nay
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước gắn liền với quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội . Là quá trình biến đổi toàn diện về kinh tế, xã hội nông thôn cả về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ , đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc , dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ , hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Chính quyền xã có vai trò quan trọng trọng việc tổ chức, quản lý quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương
Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của cả toàn dân. Trong đó, chính quyền xã có vai trò đặc biệt quan trọng, là cấp trực tiếp tổ chức, quản lý quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Vai trò đó được thể hiện thông qua các chức năng, nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất: Lập dự án xây dựng nông thôn mới ở xã
Để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được hiệu quả, việc đầu tiên của mỗi chính quyền địa phương phải thực hiện là xây dựng kế hoạch thực hiện của từng giai đoạn và từng năm. Trong đó, chính quyền xã phải đặt ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Thứ hai: Tổ chức thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã
Là quá trình sau khi đã xác định những công việc cần phải làm tiến hành phân công cho các đơn vị, cá nhân đảm nhận công việc đó, tạo ra mối quan hệ ngang dọc trong nội bộ hệ thống nhằm vận hành nhịp nhàng, đồng bộ và hướng tới mục tiêu đã định.
Thứ ba: Kiểm tra đánh giá quá trình xây dựng NTM ở xã
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự lãnh đạo, tổ chức, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nội dung kiểm tra, thanh tra, giám sát cần được chính quyền thực hiện toàn diện, trong quy hoạch, đầu tư, áp dụng chính sách hỗ trợ, tiến độ thực hiện,... Cần phải tiến hành kiểm tra về việc thực hiện theo các tiêu chí, tốc độ thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời kiểm tra về việc thực hiện chủ trương chính sách xây dựng NTM, kiểm tra đội ngũ cán bộ xem có thực hiện đúng nhiệm vụ của mình không, cuối cùng là kiểm tra về quá trình phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Chính quyền cấp xã với vị trí là một trong bốn cấp quản lý của hệ thống chính trị ở Việt Nam và là cấp quản lý trực tiếp con người và sự vụ xảy ra ở nông thôn, là một trong những chủ thể hết hết sức quan trọng trong thực hiện Chương trình này. Nghiên cứu vai trò cụ thể của chính quyền cấp xã trong thực hiện xây dựng nông thôn mới để thấy được những đóng góp tích cực và hạn chế của chính quyền cấp xã để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Lê Hằng