Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị chỉ cấp thị thực điện tử với công dân một số nước
Quốc hội vừa nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tại kỳ họp thứ 2 trong phiên làm việc diễn ra vào chiều qua (9/11).
Theo dự thảo Nghị quyết, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh… Bên cạnh đó, việc này còn giúp công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh được nhanh chóng.
Tại buổi làm việc, Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại mà còn tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội...
Tuy nhiên, về đối tượng áp dụng theo dự thảo Nghị quyết, Ủy ban thẩm tra cho rằng, áp dụng thí điểm tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng, sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, trong khi điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ngoài ra, điều kiện về nhân lực, vật lực của nước ta trên thực tế còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị, việc cấp thị thực điện tử nên điều chỉnh theo hướng thí điểm áp dụng với công dân một số quốc gia nhất định theo nguyên tắc "có đi có lại" (với những nước đã áp dụng thị thực điện tử với công dân Việt Nam) hoặc với các nước có quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam. Sau thời gian thí điểm sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị bỏ quy định về phí cấp thị thực điện tử vì đã có Luật phí và lệ phí; đồng thời, quy định rõ hơn về “Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh”; bổ sung quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng là những cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; và có báo cáo bổ sung để làm rõ căn cứ quy định về thời hạn thị thực điện tử là 30 ngày.
Minh Hà