Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú
Ngày 12/5, Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 28 thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Phiên họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử, Nhà Quốc hội và các điểm cầu trên cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an dự phiên họp, trình bày báo cáo tóm tắt dự án Luật.
Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 28 bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Trình bày tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.
Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú; trách nhiệm xuất trình Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; trách nhiệm cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú…
Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú; việc sửa đổi toàn diện luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. Một nội dung quan trọng khác của dự luật cũng được đa số thành viên UBPL nhất trí là quy định công dân có chỗ ở hợp pháp tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. Tuy nhiên, Ủy viên UBPL Đào Tú Hoa đề nghị cân nhắc khi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô bởi nguy cơ nhập cư tự do gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, UBPL tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. UBPL đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp thẩm tra tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 tới (tháng 5/2020).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhân sự, lãnh đạo mới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa triển khai công tác cán bộ, ban hành các nghị quyết phê chuẩn nhân sự, lãnh đạo mới ... |
Bổ nhiệm nhân sự mới Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam vừa công bố, trao quyết định ... |
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm lãnh đạo mới Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa triển khai công tác cán bộ, công bố và trao quyết định ... |