Ứng viên ĐBQH sẽ có 10 cuộc tiếp xúc cử tri
Hội nghị tiếp xúc cử tri tổ chức khi nào, bao gồm các nội dung gì? Hội nghị tiếp xúc cử tri là nơi để các ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại nơi mình ứng cử. Đây cũng là một trong 2 hình thức vận động bầu cử. |
Đảm bảo quy trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri Đảm bảo quy trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri. |
Ứng viên ĐBQH sẽ có 10 cuộc tiếp xúc cử tri - Ảnh minh hoạ |
Chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam mới được chọn làm ứng viên
-Thưa bà, về mặt quy trình, công tác lựa chọn ứng cử viên ĐBQH lần này có những điểm nổi bật nào cần lưu tâm?
- Đây là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân nên quy trình lựa chọn ứng cử viên ĐBQH khóa XV không có điểm khác biệt so với kỳ bầu cử trước. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của ứng cử viên ĐBQH, công tác lựa chọn ứng cử viên ĐBQH luôn phải bám sát các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, lưu ý việc thực hiện người tham gia ứng cử ĐBQH phải đáp ứng yêu cầu chỉ có 01 quốc tịch Việt Nam. Chính vì vậy, trong công tác lựa chọn ứng cử viên ĐBQH đặc biệt ưu tiên công tác rà soát hồ sơ để loại trừ khả năng người tham gia ứng cử đang có hoặc đang làm quy trình, thủ tục để nhập quốc tịch khác.
-Quy định chung về hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên ĐBQH lần này có gì khác biệt so với những kỳ bầu cử trước không, thưa bà?
-Hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên ĐBQH khóa XV có nhiều điểm mới so với các kỳ bầu cử trước. Trước hết đó là quy định về số cuộc tiếp xúc cử tri. Cụ thể, theo Hướng dẫn tại Thông tri số 13/TT-MTTW-BTT của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số lượng cuộc tiếp xúc cử tri của ứng cử ĐBQH là 10 cuộc.
Hoạt động tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ lần này cũng có điểm khác so với các nhiệm kỳ trước là do diễn ra trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do vậy, ngày 04 tháng 5 năm 2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành văn bản số 61/HD-MTTW-BTT để Hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid.
Theo đó, số lượng và hình thức tiếp xúc được các địa phương linh hoạt tổ chức để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tình hình diễn biến của dịch bệnh. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri được áp dụng. Khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử…
Bà Tạ Thị Yên, Vụ trưởng Vụ Công tác Đại biểu, Thường trực Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia |
Ứng viên ĐBQH lần đầu phải đủ tuổi tham gia 2 khoá
-So với khóa trước, lần này số lượng ĐBQH chuyên trách có tăng lên không, thưa bà?
-Đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trong đó có quy định số lượng ĐBQH chuyên trách tăng từ 35% lên 40% trong tổng số ĐBQH.
Để bảo đảm tỷ lệ này, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào ngày 16.4 vừa qua tại Hà Nội đã thống nhất với danh sách 205 ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu, trong đó có 131 ứng cử viên dự kiến làm ĐBQH chuyên trách ở trung ương.
Đại biểu chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội dự kiến là 67 đại biểu (riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 đại biểu chuyên trách).
Tuy nhiên, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương, có hai trường hợp bất khả kháng: một vì lý do sức khỏe, và một vì lý do gia đình nên Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý cho rút khỏi danh sách ứng cử. Đồng thời, điều chỉnh số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV ở trung ương là 203 người (giảm 2 đại biểu) và số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương là 297 người (tăng 2 đại biểu).
Như vậy, số lượng ĐBQH chuyên trách hiện dự kiến là 196 đại biểu. Sau này trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc để tăng cường, bổ sung thêm cho đủ số ĐBQH chuyên trách là 40% theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
-Xin bà cho biết quy định mới về ứng cử viên ĐBQH chuyên trách?
-Ngoài những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chung đối với ĐBQH được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, ứng cử viên được cơ cấu làm ĐBQH chuyên trách nếu trúng cử phải bảo đảm các quy định về trình độ chuyên môn được đào tạo từ đại học trở lên.
Về kinh nghiệm công tác và chức danh đang đảm nhiệm, đối với người ứng cử ĐBQH chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên.
Nếu là cán bộ quân đội, công an thì phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ đại tá trở lên;
Người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Vấn đề tiêu chuẩn sức khỏe cũng được đặt ra đối với ứng cử viên làm ĐBQH chuyên trách.
Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương còn quy định về độ tuổi người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách. Việc xác định độ tuổi căn cứ vào việc đó là ứng cử viên lần đầu ứng cử hay tái cử và được tính tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
-Còn yêu cầu mới với ĐBQH chuyên trách tái cử là gì, thưa bà?
Đối với ĐBQH chuyên trách tái cử, việc quy định độ tuổi được quy định cụ thể: Ngoài các đồng chí là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ứng cử viên ĐBQH chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.
Đối với ĐBQH là cán bộ nữ tái cử thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam, sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây.
-Vậy còn tiêu chí với người ứng cử lần đầu, thưa bà?
Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây.
Riêng những người ứng cử ĐBQH là cán bộ quân đội, công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư thì do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Đối với ĐBQH là cán bộ nữ ứng cử lần đầu thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam, sinh từ tháng 01/1966 trở lại đây.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 04, TP. Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến của các cử tri. |
Sẽ có ít nhất 5% đại biểu dưới 40 tuổi
-Vấn đề cơ cấu được xác định trong lần bầu cử này thế nào, thưa bà?
Trên cơ sở cơ cấu ĐBQH khóa XV được quy định tại Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự phân bổ cụ thể về cơ cấu ĐBQH khóa XV đối với các khối cơ quan ở trung ương và địa phương, đồng thời có xác định cơ cấu định hướng, cơ cấu kết hợp đối với từng địa phương để bảo bảo cơ cấu chung của ĐBQH.
Trong đó, có chú trọng đến một số tỷ lệ về cơ cấu kết hợp, cụ thể: Tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5-10%); Tỷ lệ đại biểu là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) từ 25-50 đại biểu (5%-10%); Tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi khoảng 50 đại biểu (10%); Tỷ lệ đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu (32%); Tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH; đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH.
Hạn chế tối đa khả năng để lọt người không xứng đáng vào QH
-Quán triệt kết luận 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương có nói về việc không để lọt những người không xứng đáng, chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, vấn đề này được triển khai thực hiện ra sao, thưa bà?
Trên thực tế, công tác rà soát hồ sơ ứng cử được hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện, hạn chế tối đa khả năng để lọt những người không xứng đáng được lập danh sách chính thức tham gia ứng cử.
Đến thời điểm hiện nay, các hoạt động về vận động bầu cử cũng đang được tiến hành triển khai để nhân dân và cử tri có điều kiện thuận lợi nhất tiếp cận với tiểu sử tóm tắt và các thông tin của người ứng cử. Từ đó, làm nền tảng để cử tri sáng suốt lựa chọn được những người xứng đáng nhất.
-Với cử tri, lần bầu cử này có mở rộng đối tượng không, thưa bà?
Vì là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân, nên đối tượng cử tri tham gia cuộc bầu cử lần này không thay đổi so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên trong công tác lập danh sách cử tri có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Về vấn đề này, ngày 13/4/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành công văn số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh. Theo đó, các tổ chức phụ trách bầu cử và Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi cách ly và nơi cử tri đăng ký bỏ phiếu cần có sự liên thông, phối hợp với nhau và xác định thời điểm hoàn thành cách ly với thời điểm tiến hành bỏ phiếu để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm quyền lợi đi bầu cử của cử tri.
-Trân trọng cảm ơn bà!
LÊ SƠN