Ứng dụng chuyển đổi số đưa hàng Việt vào thị trường châu Âu
Thích ứng bối cảnh
Phát biểu khai mạc diễn đàn Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh nhận định khu vực Á Âu là thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Thực trạng kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này ghi nhận dấu hiệu suy giảm và còn hạn chế ở một số ngành nghề nhất định như dệt may và đồ khô.
"Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Á Âu đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 6,3 tỷ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 19%", Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho biết.
Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của các nền kinh tế mới nổi khu vực Á Âu (Eurasia) còn rất lớn (Ảnh: Nhung Nguyễn). |
Thực trạng cho thấy cần phải có các giải pháp tận dụng dư địa hợp tác với các nước trong khu vực Á Âu.
Giao thương hàng hóa giữa hai bên đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai Hiệp định thương mại tự do: VN-EAEU FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (LB Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) và EVFTA với Liên minh Châu Âu; Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Hiện có 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Đây là các kênh hữu ích để giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam đánh giá năng lực của sản phẩm, doanh nghiệp; đồng thời định hướng chiến lược điều chỉnh chuỗi cung ứng.
Theo Vụ trưởng, để cụ thể hóa những cơ hội đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, thì doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, cập nhật chính sách của khu vực, cũng như tối ưu hóa các giải pháp marketing, thanh toán, vận tải...
Khai thác tiềm năng
Bên cạnh việc gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với đối tác khu vực Á Âu thông qua các diễn đàn thương mại, triển lãm sản phẩm, hoặc trao đổi đoàn địa biểu, việc ứng dụng chuyển đổi số cần được khai thác mạnh mẽ hơn nữa.
Trong phần tham luận về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại số với các đối tác khu vực Á Âu, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ sức khỏe toàn cầu, FPT Software Hoàng Đồng Tiến đưa ra nhiều ví dụ về sức mạnh của ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.
"Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Doanh nghiệp có thể sử dụng tiềm năng công nghệ thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh", ông Hoàng Đồng Tiến chia sẻ.
Qua đó, doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu không còn phụ thuộc và bán hàng, giao dịch trực tiếp mà có thể tận dụng công nghệ thực tế ảo, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Nhờ có chuyển đổi số mà doanh nghiệp cũng có thêm những phương thức thanh toán tiện lợi, hiện đại và an toàn.
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu may mặc trong phiên tư vấn trực tuyến 1-1 với Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh (Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga) (Ảnh: Nhung Nguyễn). |
Cũng trong ngày 24/11, diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu - đã mang đến cơ hội cho hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam trao đổi trực tuyến với Thương vụ Việt Nam tại các nước: LB Nga, Belarus, Bulgaria, Áo, Ba Lan, Séc, Hungary, Rumania, Ucraina và Chi nhánh Thương vụ tại Vladivostok. Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi về cách thức tìm hiểu xu hướng thị trường, đối tác, giới thiệu lợi thế sản phẩm Việt Nam. Các Tham tán thương mại giải đáp thắc mắc cũng như tư vấn kết nối với cộng đồng doanh nghiệp nước sở tại.
Thị trường khu vực Á Âu (Eurasia) gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4500 tỷ USD. Khu vực này cũng là khu vực đông đảo cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống. |