Tuyên truyền Luật CSBVN cho ngư dân: Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống IUU
Ngày 24/7, thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biển đảo Hòn La (tỉnh Quảng Bình), tàu CSB 3005/ Hải đoàn 102/ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã tổ chức tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân làm ăn trên biển.
Triển khai kế hoạch tuyên tuyên, tổ công tác của tàu đã tổ chức tuyên truyền cho 07 lượt tàu cá, với trên 60 ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển khu vực đảo Hòn La. Tổ công tác đã phát hơn 60 tờ rơi các loại, tập trung tuyên truyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, kết hợp tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; Luật Biển Việt Nam năm 2012; đồng thời trao tặng cờ Tổ quốc cho các ngư dân.
: Tổ công tác tàu CSB 3005 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân |
Hoạt động trên đã góp phần giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, từ đó có ý thức không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân làm ăn trên biển là một trong những công tác tuyên truyền phổ biến Luật cảnh sát biển Việt Nam đến với người dân.
Tổ công tác tàu CSB 3005 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. |
Không chỉ tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến với ngư dân, các chiến sĩ,
cán bộ CSB còn hướng dẫn những điều luật cụ thể để ngư dân hiểu.
Điều 13 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát:
1. Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa,
hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển.
2. Các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát bao gồm:
a) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
b) Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành
vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
c) Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
d) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu
thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;
đ) Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.
3. Khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Cảnh sát biển Việt Nam phải thể hiện màu sắc của
tàu thuyền, máy bay và phương tiện khác; cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết và
trang phục theo quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Luật này.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm
chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của
Cảnh sát biển Việt Nam.
Trước đó, Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam” đã thu hút sự tham gia chủ động, tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, không chỉ giúp mọi tầng lớp nhân dân nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật trên biển mà còn tạo thành dòng chảy lan tỏa, bồi đắp tình yêu biển đảo từ miền xuôi tới miền ngược, từ Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân; tạo được không khí sôi nổi trong tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi cả nước. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi nhanh vào cuộc sống; thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban, ngành có liên quan, góp phần cùng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Văn Cường