Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua 3 tác phẩm
Nhân 55 năm ngày nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất, nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tái bản 3 tác phẩm gồm: tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, kịch Vũ Như Tô, và truyện lịch sử Hai bàn tay chiến sĩ.
Bên cạnh việc tái bản 3 tác phẩm của ông, tại quê hương ông một Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 17/7 mang tên “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh”.
Hội thảo sẽ có sự tham dự của các nhà văn, nhà nghiên cứu, các học giả thuộc nhiều lĩnh vực. Các tham luận, bài viết tham gia Hội thảo theo hướng mở về các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, trong đó yếu tố quê hương là một nội dung xuyên suốt. Bên cạnh cắt nghĩa nhiều vấn đề liên quan đến văn nghiệp của ông, hội thảo nhằm khẳng định vị trí đặc biệt của Nguyễn Huy Tưởng trong đời sống tinh thần nơi quê hương ông, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống trong cộng đồng, bắt đầu từ thế hệ trẻ.
Nguyễn Huy Tưởng để lại một gia tài văn chương phong phú và một sự nghiệp hoạt động văn hóa đa dạng. Với những đóng góp to lớn của mình cho nền văn học nước nhà, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên năm 1996.
Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì ra đời năm 1942, là dấu ấn khẳng định tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Dựa trên câu chuyện bê bối trong phủ chúa với bi kịch gia đình mà sử sách đã ghi lại, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên một bức tranh xã hội thời phong kiến với nhiều vấn đề được đặt ra.
Nội dung ngắn gọn, giàu chất thơ và kịch tính, tiểu thuyết đã được chuyển thể thành chèo, cải lương, điện ảnh, trong đó phim truyện Đêm hội Long Trì được đánh giá là một thành công của điện ảnh Việt Nam.
Còn kịch Vũ Như Tô được đánh giá là vở kịch kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm là nỗi niềm trăn trở của văn nghệ sĩ muôn đời, khiến Vũ Như Tô có sức sống vượt thời gian.
Kịch dựa trên một câu chuyện có thật, được ghi lại trong sử sách. Câu chuyện về Vũ Như Tô - một người thợ tài hoa ở Cẩm Giàng, Hải Dương được vua Lê Tương Dực giao cho xây dựng tòa điện trăm nóc Cửu Trùng Đài. Công trình có quy mô to tát, hao người tốn của đã khiến đất nước kiệt quệ, nhân dân lầm than. Kết cục, dân chúng bị kích động đã nổi dậy, hùa theo binh lính đốt phá Cửu Trùng Đài, giết chết vua Lê Tương Dực và người thợ cả Vũ Như Tô…
Hai bàn tay chiến sĩ là một trong những cuốn sách nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi được xuất bản trong những ngày đầu thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhân vật chính của cuốn sách có nguyên mẫu là chiến sĩ Nguyễn Văn Bẩm mà tác giả gặp tại Hội nghị chiến sĩ toàn quân năm 1952.
Nguyễn Văn Bẩm bị địch bắt trong một trận càn ác liệt của địch. Chúng dùng nhiều cực hình dã man tra tấn để hỏi cung, tẩm dầu đốt cháy hai bàn tay anh. Với nghị lực phi thường, anh đã vượt qua mọi cực hình tàn khốc của giặc để trở về tiếp tục tham gia chiến đấu.
Từ những trang ghi chép người thực việc thực, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một tác phẩm hết sức xúc động.
Cùng với Sống mãi với Thủ đô, An Tư, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành Ốc, Con Cóc là cậu ông Giời…, 3 tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được tái bản lần này giúp độc giả được thưởng thức trọn vẹn các trước tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – những tác phẩm được đưa vào "Tủ sách Vàng" dành thiếu nhi và "Tủ sách tác phẩm chọn lọc" dành cho mọi đối tượng bạn đọc của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Tuyết Nhung
Tổng hợp