Truy tìm trách nhiệm cá nhân, tập thể để Việt Nam đang có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới
Đại diện Tổng cục Hải quan giải thích lý do Việt Nam đang có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới là thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.
Các số liệu thống kê cụ thể từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh): Tính đến ngày 25/7/2018 có 3.579 container phế liệu tồn tại, trong đó có 2.423 container tồn quá 90 ngày.
Ở cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5/7/2018 còn tồn 1.485 container (trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6/2018). Trong đó, có 853 container tồn đọng quá 90 ngày.
Kim ngạch nhập khẩu phế liệu nhựa, giấy, sắt thép từ năm 2016 đến 30/6/2018. Nguồn Tổng cục Hải quan.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200 đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến 200% so với năm 2017.
Vấn đề đặt ra là vì sao, tự nhiên Tổng cục Hải quan lại cung cấp cho báo giới những con số chi tiết như vậy? Trong khi trước đó, muốn xin được những số liệu trên từ Tổng cục Hải quan rất khó. Vì nó nhạy cảm, liên quan đến môi trường?
Lần này, Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin rộng rãi, liệu có liên quan đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rà soát thủ tục nhập phế liệu, không cấp mới giấy phép…Và, phải có báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 về hoạt động trên?
Container phế liệu tồn đọng ở cảng. Ảnh Dantri.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan thông tin trên VOV thì, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
“Về phía doanh nghiệp, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu đã góp phần giảm đáng kể mức độ hàng hóa tồn đọng tại cảng”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan lại cho rằng, mặt hàng phế liệu là mặt hàng đặc thù, phải lấy mẫu ở 4-5 điểm trong container để kiểm tra xem hàng hóa đó có thực sự đảm bảo yêu cầu hay không. Do đó, để kiểm tra đầy đủ đúng quy trình, phải dỡ bỏ hết hàng từ container xuống, nhưng khó khăn là cảng không còn đủ chỗ lấy mẫu, nếu như mở tung hết các container ra sẽ không có chỗ để.
Ông Anh Tuấn và ông Xuân Thành đã chỉ ra hết những nguyên nhân, những khó khăn đối với công việc trên, vậy tại sao, trong quá trình hoạt động không báo cáo, không đề xuất để cùng với Bộ Tài nguyên môi trường thực hiện đúng các quy định để rác không tồn nhiều, gây bức xúc trong dư luận như vậy?
Vấn đề đặt ra, để Việt Nam đang có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, ảnh hưởng đến môi trường sống, ảnh hưởng đến nền kinh tế là do đâu? Cần truy tìm tận gốc nguyên nhân, do văn bản, chính sách, do cá nhân, tập thể? Có truy tận gốc thì mới giải quyết, xử lý được “khủng khoảng” để các cơ quan hữu quan không thể đổ lỗi cho nhau, cho cơ chế.
N.Huệ