Trưởng thôn 46 tuổi quyết tâm đèn sách 3 năm để thi THPT quốc gia
Kết thúc ngày thi đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Vương Đình Yên (SN 1973) bước ra khỏi phòng thi trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Ít ai biết rằng, người đàn ông lớn tuổi ấy lại là thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia năm nay.
"Những năm 1986, 1987, tôi đã thi đỗ vào cấp 3, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đành gác lại giấc mơ vào học lớp 10. Giờ đây, khi có điều kiện hơn, cũng tham gia làm trưởng thôn nên tôi đăng ký học để có thêm hiểu biết", ông Yên chia sẻ về lý do quyết định tham dự kì thi THPT quốc gia.
Ông Vương Đình Yên là thí sinh tự do nhiều tuổi nhất đăng kí dự thi THPT quốc gia 2019 tại hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội. |
Ông Yên kể tiếp: “Khoảng vài năm về trước, tôi có xem một bộ phim Ấn Độ. Trong đó, có một nhân vật đi học khi đã 70 tuổi. Sau đó, tôi nghĩ mình còn trẻ hơn nhiều. Hơn nữa, hiện nay, các con tôi đều đã lớn, tôi muốn học để truyền lại tinh thần, cảm hứng, làm gương cho các cháu. Nghĩ rồi, tôi đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên quận Nam Từ Liêm. Sau khi học hết 3 năm, đến nay tôi đã có thể đi thi THPT quốc gia để lấy tấm bằng tốt nghiệp”.
Quyết định đi học và tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 của ông Yên được vợ và 2 con hết sức ủng hộ. Hai người con của ông – một đang học năm thứ 3 ĐH Mở Hà Nội – một vừa đỗ vào lớp 10 chỉ mong bố tiếp tục đi học để noi gương.
Ông Vương Đình Yên tâm sự, trong suốt 3 năm, 5 buổi tối mỗi tuần, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều đi gần 30km đến trường, học từ 7h-9h tối. Cuộc sống của một người đàn ông ngoài 40 với bao lo toan về cuộc sống, cơm áo gạo tiền, chăm lo cho vợ con, gia đình, đã có lúc ông Yên nghĩ có lẽ mình nên từ bỏ, nhưng chính sự động viên của vợ và 2 con, cùng suy nghĩ phải trở thành người cha để các con noi theo, ông Yên lại gạt đi bao khó khăn, bước tiếp.
Thẻ dự thi THPT quốc gia 2019 của thí sinh Vương Đình Yên. |
Kết thúc ngày thi đầu tiên, vị trưởng thôn cho biết, ông làm hết đề thi môn Văn, nhưng ước lượng chỉ được khoảng 5-6 điểm. Ông cảm thấy câu nghị luận xã hội khá dễ vì có thể vận dụng kiến thức thực tế, song câu nghị luận văn bản yêu cầu phân tích từ ngữ liệu của tác phẩm lại khiến ông cảm thấy khó khăn.
“Trong kỳ thi này tôi tự tin nhất với môn Lịch sử. Khi thi thử, tôi được điểm trung bình 5,5 điểm, trong đó môn Sử, Địa có điểm cao nhất bởi những câu hỏi mở. Tôi hy vọng các môn thi sau sẽ làm bài thật tốt. Có người còn động viên tôi nếu đỗ thì đi học tiếp”, ông Yên kể.