Trưởng thành nhờ tổ chức Passerelles Numeriques Vietnam
Cũng như hàng trăm sinh viên khác đến từ các miền quê nghèo của 7 tỉnh miền Trung, Dũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ba mẹ chia tay khi Dũng còn rất nhỏ, hai mẹ con sống trong căn nhà cũ ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nhà có 2 sào ruộng khoán, lúa gạo thu về ăn không đủ no, năm nào cũng thuộc diện hộ nghèo.
Để Dũng được đến trường, người mẹ nghèo ấy đã phải tằn tiện, chắt bóp từng đồng chi tiêu. Mẹ luôn động viên Dũng học để thay đổi tương lai. Nhưng Dũng biết, đằng sau lời động viên đó là cả nỗi lo của mẹ. May mắn, trước ngày thi tốt nghiệp, Dũng được dự buổi giới thiệu học bổng của PNV, và được chọn. Ra trường tháng 9-2017, Dũng xin được việc ngay, có thu nhập để trang trải cuộc sống và phụ giúp mẹ.
Dũng nói, PNV không chỉ tạo cơ hội cho em có được công ăn việc làm ổn định mà còn giúp em rèn luyện kỹ năng. “Ở PNV, em được học nhiều kỹ năng sống. Thông qua những buổi học trải nghiệm thực tế như tự tìm kiếm nhóm IT để trao đổi, học cách hùng biện thông qua bài học giới thiệu về bản thân, trao đổi với những người nước ngoài về CNTT, chia sẻ những vấn đề xung quanh cuộc sống, bây giờ em đã đủ tự tin để nói trước đám đông”, Dũng cho biết.
Chọn CNTT tại PNV, với Phạm Đình Sửu (bìa trái) là sự lựa chọn đúng đắn. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Còn với Phạm Đình Sửu, quê huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) được theo học tại PNV là một điều chưa hề có trong ý nghĩ trước đó. Nhà có 4 anh chị em, ba mất sớm, mẹ sức khỏe yếu không cáng đáng nổi việc ruộng đồng. Cuộc sống của 5 mẹ con dựa vào gánh hàng xén nhỏ của mẹ ở chợ quê. “Hôm PNV về trường giới thiệu học bổng, em cũng xin phỏng vấn rồi được nhận. Hè năm 2015, em thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), ngành sư phạm Hóa nhưng em chọn học tạ PNV; sau đó em thấy sự lựa chọn của mình là đúng”.
Tháng 9-2017, vừa tốt nghiệp ngành CNTT, Sử xin được việc làm ở Công ty Enouvo chuyên về lập trình, đóng tại Đà Nẵng. Sửu bảo: “PNV đã đào tạo cho em một trình độ CNTT khá vững nên khi vào làm việc em không vấp váp nhiều.
Một điểm em thích nhất ở môi trường đào tạo này là em đã được học kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Nếu như trước đây em rất mù mờ về ngôn ngữ này thì sau 2 năm ra trường em đã có thể tự tin giao tiếp. CNTT cũng là một ngành cần thông thạo tiếng Anh, nên em thấy rất vui”.
Trước xu thế cách mạng 4.0, nhiều sinh viên ở PNV được hỗ trợ phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên tiếng Anh cho biết, gần như tất cả các sinh viên học ở PNV đều bắt đầu chương trình học với nhiều khó khăn. Nhưng đa phần các em đã chủ động, tích cực trong việc học tập, có thái độ học tập nghiêm túc, tập trung cao độ và luôn cố gắng hoàn thành các hoạt động học tập.
Ngoài ra, tinh thần tự học của các em cũng rất đáng khen. Với những nỗ lực đó, năng lực tiếng Anh của các em dần được cải thiện. Cuối học kỳ đầu tiên, phần lớn các em đã có thể tương đối tự tin giao tiếp, nói hoặc viết, trong các tình huống đơn giản như chào hỏi, giới thiệu bản thân… Sang năm thứ 2, sinh viên có thể giao tiếp với thầy cô và các tình nguyện viên nước ngoài trong các đợt tập huấn, giao lưu.
Nói về sự trưởng thành của SV, anh Trần Đông Nguyên, Điều phối viên giáo dục tại PNV nhìn nhận, sự trưởng thành của các em có thể được nhìn thấy rõ ràng từ đầu năm học thứ hai. Đây là kết quả của một quá trình, với sự nỗ lực từ chính các em, cùng sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô.
Thói quen quan trọng nhất là các em phải lên tiếng nhiều hơn, phát biểu thường xuyên hơn, chia sẻ để bạn bè và thầy cô giúp đỡ mỗi em một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Những thói quen trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng giúp các em có nhiều thời gian dành cho học tập hơn, từ thói quen ăn uống, vận động đến suy nghĩ với tư duy phản biện đều giúp các em có được một trí óc mở, tích cực, có đời sống tinh thần vui vẻ hơn…
Tại PNV, các em được học tinh thần chủ động lựa chọn và thay đổi tương lai của mình qua cách cải thiện thói quen chưa tốt của bản thân.
PNV là tổ chức phi chính phủ của Pháp. PNV có mặt ở Đà Nẵng năm 2010, chuyên đào tạo nghề và tìm việc làm miễn phí trong lĩnh vực CNTT cho học sinh nghèo tại 7 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Quảng Bình đến Kon Tum), với hai bậc đào tạo trung cấp và cao đẳng với mục tiêu giúp các em có việc làm để thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tính đến nay, đã có khoảng hơn 300 SV được đào tạo CNTT tại PNV. Nhiều em tìm được việc làm ở các công ty công nghệ hàng đầu Đà Nẵng có vốn đầu tư trong và ngoài nước như: FPT, Axon Active, MagRabbit, AsNet, Gameloft, Toàn cầu xanh, SeaDev.