Trung Quốc phản bác nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 3/6. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Mattis cáo buộc Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế, coi thường lợi ích của các quốc gia khác. Ông nói rằng việc Trung Quốc tự ý xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã làm suy yếu sự ổn định của cả khu vực.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: việc Mỹ tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc - trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - không đồng nghĩa Washington sẽ ngừng thách thức các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục "bay, đi biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời thể hiện sự quyết tâm của mình thông qua việc hiện diện ở Biển Đông và thậm chí là xa hơn nữa" - ông Mattis nhấn mạnh.
Tuần trước, một chiến hạm của Hải quân Mỹ đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực tranh chấp. Đây là thách thức đầu tiên đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Đáp trả nhận định của ông Mattis, hôm qua (4/6), bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố: việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đang đồn trú tại đó, duy trì "chủ quyền" và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Các hoạt động trên khu vực có chủ quyền do Trung Quốc tiến hành không liên quan gì tới việc quân sự hóa - bà Hoa nhấn mạnh trong một bài phát biểu đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối ngày 4/6 (giờ địa phương).
Người phát ngôn này nói rằng những quốc gia bên ngoài khu vực đã làm leo thang căng thẳng, "đưa ra những nhận định sai lầm lặp đi lặp lại", bỏ qua hiện trạng và gây nhầm lẫn, "đổi trắng thay đen vì những động cơ không tốt".
Tàu USS Dewey của Hải quân Mỹ vừa tuần tra gần đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông
"Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi các bên liên quan ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này" - bà Hoa Xuân Oánh cho hay.
Về việc quân đội Mỹ hiện diện tại khu vực tranh chấp, bà Hoa cho biết: Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do đi lại, nhưng phản đối việc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông dưới hình thức tập trận. Theo bà, đây là mối đe dọa với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Trái ngược với quan điểm của Bắc Kinh, một số quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông như Nhật Bản hay Australia đã bày tỏ sự đồng tình trước việc Mỹ tiếp tục tuần tra khu vực tranh chấp. Theo 2 nước này, động thái của Mỹ sẽ duy trì trật tự quốc tế, tự do và hòa bình trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng nói rằng "một quốc gia nào đó" vẫn xây dựng tiền đồn ở Biển Đông và sử dụng chúng cho "các mục đích quân sự". Trong khi đó, người đồng cấp Australia, bà Marise Payne, khẳng định nước này sẽ tiếp tục hoạt động trên Biển Đông, bất chấp Trung Quốc phản đối.
Hồng Anh