Trung Quốc công bố quy định phản gián, siết chặt giám sát, phòng gián điệp
Trung Quốc vừa công bố quy định chống do thám mới vào ngày 26/4, cho phép cơ quan an ninh quốc gia lập danh sách các công ty, tổ chức có nguy cơ cao bị các tổ chức nước ngoài do thám, yêu cầu các thực thể có tên trong danh sách phải tuân thủ các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin cho nước ngoài, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đăng tải trong bài bình luận.
Quy định mới không nêu cụ thể ngành nghề, lĩnh vực hoặc công ty nào có tên trong danh sách rủi ro, thay vào đó, đưa ra điều kiện, mức độ quan trọng của ngành đó, mức độ tham gia của yếu tố nước ngoài và xét trong quá khứ đã xảy ra trường hợp nào gây nguy hại tới an ninh quốc gia hay chưa.
Trong đó, các công ty, tổ chức hoặc nhóm xã hội trong danh sách rủi ro phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bao gồm: yêu cầu nhân viên ký thư cam kết trước khi nhận nhiệm vụ; báo cáo mọi hoạt động có liên quan tới an ninh quốc gia; đào tạo nhân sự chống phản gián qua hội thảo, phim ngắn trước khi cho phép họ đi công tác nước ngoài và buộc phải qua thẩm tra cá nhân khi trở về.
Global Times dẫn lời một nhân viên chịu trách nhiệm vấn đề ngoại giao của một doanh nghiệp quốc doanh có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, giấu tên cho biết, cơ quan nơi người này đang làm đã tăng cường hoạt động an ninh phản gián đối với tất cả nhân sự ra nước ngoài từ năm 2019 khi giới lãnh đạo Trung Quốc tái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải nâng cao an ninh quốc gia.
Đặc biệt, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính xách tay, thiết bị lưu dữ liệu USB, thường chứa các thông tin nhạy cảm, được coi là vật dụng quan trọng đối với các cơ quan tình báo.
Do đó, các doanh nghiệp như công ty kể trên đã yêu cầu nhân viên làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm hoặc nắm giữ các tệp tài liệu quan trọng, buộc phải để lại thiết bị điện tử ở nhà và dùng thiết bị mới khi ra nước ngoài.
Trong khi đó, hãng tin CNN dẫn lời ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao và chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết, với quy định mới, Bắc Kinh muốn đưa cả các công ty thương mại, đại học, truyền thông và tổ chức cố vấn dưới tầm kiểm soát của chính phủ chặt chẽ hơn nữa để giám sát và báo cáo hoạt động của các tổ chức phương Tây đang vận hành tại Trung Quốc. Do đó, điểm này khiến các doanh nghiệp phương Tây sẽ phải chịu nhiều thách thức hơn khi làm ăn tại Trung Quốc.